Thuyền Viễn Xứ là tên một bài thơ nằm trong tập thơ đầu tay có tựa đề “Cởi Mở” của nữ thi sĩ Huyền Chi. Bìa thơ được bà sáng tác năm 1952, trong thời gian bà sinh hoạt trong một nhóm văn nghệ sĩ trẻ và làm thư ký cho mục thơ của tạp chí Phụ Nữ ở Sài Gòn, khi đó bà vẫn còn là một cô thiếu nữ. Có nhiều người đã hỏi bà tại sao tuổi nhỏ mà có những vần thơ buồn đến thế, bà chỉ trả lời rằng “tôi tưởng tượng” thôi mà. Nhưng có lẽ, một phần vì sự chia cắt của gia đình mình trong hoàn cảnh thời bấy giờ đã tạo cảm hứng cho bà để viết nên bài thơ này.
Vợ chồng nhạc sĩ Phạm Duy trong ngày cưới tại chiến khu Việt Bắc 1949
Nhà thơ Huyền Chi lúc 18 tuổi (1952)
Nhạc sĩ Phạm Duy đã tình cờ gặp gỡ cô gái trẻ Huyền Chi tại nhà in Sống Chung qua lời giới thiệu của chủ nhà in. Lúc biết cô đang in tập thơ đầu tay của mình, ông đã ngỏ ý xin một tập thơ để xem có bài nào thích hợp thì sẽ xin phép được phổ nhạc. Cô cũng không suy nghĩ nhiều mà vui vẻ tặng luôn cho ông một tập thơ có cả chữ ký của mình. Cô gái trẻ ấy cũng không ngờ đến trong số các bài thơ ấy đã có một bài thơ được ông chú tâm đến, và sau này đã tạo nên một ca khúc để đời của ông.
Bài hát Thuyền Viễn Xứ là một trong những ca khúc được Phạm Duy thích nhất. Vì có lẽ đó chính là nỗi lòng của ông, của một người hơn nửa đời lênh đênh khắp chốn, xa quê hương - nơi chôn rau cắt rốn:
Chiều nay sương khói lên khơi
Thùy dương rũ bến tơi bời
Làn mây hồng pha rán trời
Sóng Đà Giang thuyền qua xứ người
Thuyền ơi! viễn xứ xa xưa
Một lần qua dạt bến lau thưa
Hò ơi! giọng hát thiên thu
Suối nguồn xa vắng, chiều mưa ngàn về
Ngày xa quê hương là một ngày nhuốm màu u buồn. Lòng người hiu quạnh trong một buổi chiều “sương khói lên khơi”, và hàng cây “thùy dương rũ bến tơi bời”. Bầu trời cũng được “pha rán” bởi những “làn mây hồng” loang lổ, như cõi lòng đang cồn cào, đang hoang mang trên con “thuyền qua xứ người” lướt đi trên từng con “sóng Đà Giang”. Lòng người chưa đi đã nhớ. Chân phải bước đi nhưng trong lòng trăm vạn lần không muốn. Không muốn xa “bến lau thưa”, xa điệu hò giọng hát thân quen, xa bờ suối thân quen khi những lúc chiều mưa tràn về. Tình yêu nguồn cội là cái tình yêu thiêng liêng mà “khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất bỗng hóa linh hồn”.
Nhìn về đường cố lý
Cố lý xa xôi
Đời nhịp sầu lỡ bước
Bước hoang mang rồi ...!
Quay lại hướng làng
Đà Giang lệ ướt nồng
Mẹ già ngồi im bóng
Mái tóc tuyết sương
Mong con bạc lòng ...
Mời quý vị nghe lại ca khúc "Thuyền Viễn Xứ" Trình bày: Lệ Thu
Bấm vào để nghe "Thuyền Viễn Xứ" Trình bày: Lệ Thu
Mời quý vị nghe lại ca khúc "Thuyền Viễn Xứ" Trình bày: Thái Thanh (thu âm trước 1975)
Bấm vào để nghe "Thuyền Viễn Xứ" Trình bày: Thái Thanh (thu âm trước 1975)
Thế nên dù cho có ở xa tận phương trời nào thì ta vẫn luôn “nhìn về đường cố lý”, và cảm thấy như tâm hồn đã lỡ bước vào một “nhịp sầu” nên giờ chỉ biết “hoang mang” trong cõi lòng mà thôi. Nỗi nhớ cứ thế ùa về trong vô tận, nước mắt cũng lăn dài tự bao giờ khi ta “quay lại hướng làng” và nhớ đến con sông Đà Giang. Hình dung ra hình dáng của người mẹ thân thương đang “ngồi im bóng”, “mái tóc tuyết sương” đang “mong con bạc lòng”.
Thời gian luôn là dòng chảy vô tình nhất, nó lấy đi mọi thứ quý giá mà ta muốn gìn giữ, nó giết dần giết mòn con người ta bằng nỗi nhớ, nỗi buồn của những người thân xa cách nhau. Nỗi sầu đó không chỉ của một người, Mà là cả một rừng người , cả một rừng “sầu trên xứ người” đang muốn gửi đến quê hương muôn ngàn nỗi nhớ. Làm cho “trời cao chìm rơi xuống đời” vì không mang hết nổi những tâm tư, những nỗi nhớ họ muốn gửi về nơi thân yêu ấy.
Chiều nay gửi tới quê xưa
Biết là bao thương nhớ cho vừa
Trời cao chìm rơi xuống đời
Biết là bao sầu trên xứ người
Mịt mờ sương khói lên hương
Lũ thùy dương rủ bóng ven sông
Chiều nay trên bến muôn phương
Có thuyền viễn xứ, nhổ neo lên đường ...
Nhưng số phận xót xa, dù không ai muốn nhưng nỗi buồn xa xứ vẫn cứ như thế tiếp tục lên đường “bến muôn phương”. Nỗi buồn vẫn tiếp tục chồng lên nỗi buồn, nỗi nhớ cũng tiếp tục chồng lên nỗi nhớ, đến bao giờ mới hết được đây? Có lẽ là không bao giờ, Ngày xưa, có lẽ vì thời cuộc nên họ phải rời đi một phương trời khác, cố gắng tìm lấy tự do cho quê hương, và cho chính bản thân họ. Nhưng khi hòa bình, vì mưu sinh, vì cuộc sống sung túc hơn cho gia đình, những con người vẫn tiếp tục ra đi tìm hy vọng nơi miền xa đất hứa. Nhưng tất cả họ đều giống nhau, đều sẽ mang theo trong mình một nỗi nhớ để gặm nhấm mỗi khi màn đêm buông xuống.
Bài thơ gốc của nữ thi sĩ Huyền Chi được bà làm theo thể thơ lục bát, nỗi nhớ trong bài thơ của bà cũng nhẹ nhàng và mang nhiều nét truyền thống hơn. Có lẽ vì lúc đó, tuổi đời bà còn quá trẻ nên vẫn chưa thể hiện được dạt dào nỗi nhớ mong ấy. Nhưng điều đó đã không còn quan trọng nữa, khi những điều đó đã được nhạc sĩ Phạm Duy lấp đầy. Trong lời nhạc, bài thơ đã được ông sửa lại một vài đoạn, về phần ý nghĩa thì nó không thay đổi là bao.Nhưng với cách dùng câu từ của một nhạc sĩ vốn đã nổi tiếng và đã từng trải qua nhiều cảm xúc (lúc phổ nhạc cho ca khúc ông đã 32 tuổi) ông đã làm cho nỗi nhớ trong bài thơ phát triển thêm một cung bậc mới. Một cung bậc bất tử trong lòng những người con “xa xứ”.
Ca khúc cũng đã được thể hiện bởi rất nhiều giọng ca tên tuổi. Nhưng có lẽ ca sĩ Lệ Thu là người thể hiện trọn vẹn nhất những cảm xúc mà tác giả muốn trao gửi. Nhân tiện đây, tôi cũng muốn gửi ca khuc đến những người thân, bạn bè tôi đang ở nơi trời xa ấy. Và muốn nói với họ rằng vẫn luôn có những người luôn mong ngóng họ từng ngày, và quê hương luôn dang rộng đôi tay chờ đón họ ngày trở về. Và gửi đến cả mọi người, những người mà tôi chưa được gặp một lời chúc bình an.
Lời bài hát "Thuyền Viễn Xứ" Tác giả: Phạm Duy - Huyền Chi
Chiều nay sương khói lên khơi
Thùy dương rũ bến tơi bời
Làn mây hồng pha ráng trời
Sóng Đà Giang thuyền qua xứ người
Thuyền ơi! viễn xứ xa xưa
Một lần qua dạt bến lau thưa
Hò ơi! giọng hát thiên thu
Suối nguồn xa vắng, chiều mưa ngàn về
Nhìn về đường cô lý
Cô lý xa xôi
Đời nhịp sầu lỡ bước
Bước hoang mang rồi ...!
Quay lại hướng làng
Đà Giang lệ ướt nồng
Mẹ già ngồi im bóng
Mái tóc tuyết sương
Mong con bạc lòng ...
Chiều nay gửi tới quê xưa
Biết là bao thương nhớ cho vừa
Trời cao chìm rơi xuống đời
Biết là bao sầu trên xứ người
Mịt mờ sương khói lên hương
Lũ thùy dương rủ bóng ven sông
Chiều nay trên bến muôn phương
Có thuyền viễn xứ, nhổ neo lên đường ...