Người Sài Gòn “dễ thương” hết biết với câu nói quen thuộc: “Có người trả rồi” _ NVSGX

   

Khi nhắc đến Sài Gòn, người ta nhớ đến sự hào sảng, thật thà, vui vẻ của người Sài Gòn. Không vậy, họ còn là người rất hiếu khách và và vô cùng nghĩa hiệp. Cần gì phải nói sâu xa, đôi lúc bạn đi ăn tiệm, lúc ăn xong đứng dậy trả tiền thì chủ quán nói: “Vừa nãy có người kia/anh đó/cô nọ,… trả rồi. Khi nghe thấy điều ấy, bạn hỏi chủ quán xem tướng mạo người đó ra sao rồi cố gắng hình dung lại để biết mà sau này cảm ơn họ. Lúc nhớ ra rồi thì bạn mới biết đó chỉ là người mình mới gặp mặt lần đầu tiên sau khi nhắc nhở người đó đóng lại cái túi xộc xệch của họ, sẵn tiện thì bạn và họ hỏi han vài câu qua lại mà thôi. Chỉ đơn giản là vậy mà họ đã sẵn tiện trả giúp mình bữa ăn này. Chủ quán thấy bạn khựng lại đôi chút thì cũng cười rồi nói đó là chuyện thường ngày ấy mà, ở quán này chủ quán cũng thấy nhiều người như vậy rồi, chẳng có gì bất ngờ cả. Cuối cùng khi bạn ra khỏi quán, chạy ù về nhà có lẽ cũng đã quên mặt họ rồi.

Người Sài Gòn hay trả giùm, khi thì bao thuốc lá, khi thì ly cà phê
Trả tiền bao nhiêu không quan trọng, quan trọng là cái tình của người Sài Gòn dành cho nhau

Lúc đầu tôi cũng ngại chuyện có người trả tiền cho mình lắm. Nhưng rồi tôi nghĩ chắc ở Sài Gòn, đó cũng là chuyện bình thường mà thôi. Thay vì cứ tìm người đã trả tiền giùm tôi để gửi tiền lại họ thì tôi chọn cách trả tiền giùm người khác, vậy là tôi cũng đỡ phải ngại ngùng. Vả lại việc đó đôi lúc cũng làm tôi thấy vui trong lòng nhiều lắm.

 
Tay vì cứ mãi tìm người trả giùm trước đó, người Sài Gòn sẽ chọn cách trả tiền giùm cho người khác

Vậy bạn có bao giờ thắc mắc việc trả tiền giùm như thế này thường sẽ kéo dài bao lâu hoặc trả giùm trong trường hợp nào không? Thật ra chẳng có lý do rõ ràng nào cho việc tại sao người Sài Gòn làm như thế cả. Chắc có lẽ vì cái tình, cái nghĩa và điều đó xuất phát từ sâu trong tâm khảm người Sài Gòn mà thôi. Đôi lúc người ta sẽ trả giùm ly cà phê, bao thuốc lá, dĩa cơm tấm hay tô phở bò,… Thi thoảng sẽ có người bất ngờ hơn khi một chầu lẩu năm bảy người ăn cũng có người trả giùm, chẳng lẽ họ không sợ tốn tiền sao? Thật ra dù cho bao nhiêu đi chăng nữa thì đó cũng là chuyện nhỏ nhặt thường thấy ở Sài Gòn mà thôi. Đôi khi người quen gặp lại, họ tiếp tục một câu chuyện mới, còn chuyện ai trả giùm ai thì hầu như không một ai nhắc đến. Người trả không nói, người được trả cũng không kể, thế là chỉ có mỗi chủ quán biết nhưng họ cũng chỉ cười cười coi như chuyện thường thấy. 

 
Người trả không nói, người được trả không kể, chỉ có mỗi chủ quán biết thôi

Tôi nhớ có lần đang đi ngoài đường, thấy người đằng trước mang theo một cái cặp táp màu đen có vẻ hơi sờn cũ, chạy xe chưa gạt chân chống, tôi liền chạy vụt lên để nhắc nhở người ấy. Sẵn tiện tôi cũng ghé vào quán phở gần đó ăn. Tôi gọi một tô phở bò tái rồi ngồi vào bàn. Lúc sau trở ra trả tiền thì chủ quán khoát tay, nói: “Có người trả rồi, cậu không phải lo”. Tôi khựng người một lát, nhìn quanh xem có người quen không thì rõ ràng là chẳng có ai cả. Thấy vậy, tôi hỏi chủ quán họ có nói gì không, rồi nhờ ông chủ miêu tả lại hình dáng của người đã trả giùm tôi. Hỏi ra mới biết đó là ông chú chạy xe trên đường quên gạt chân chống mà tôi nhắc nhở vừa nãy, cũng nhờ chủ quán nói ông ấy mang một cái cặp táp hơi cũ tôi mới nhớ ra. Vội vàng cảm ơn chủ quán, tôi chạy ra xem để có gì còn kịp gửi trả với cảm ơn họ. Khi chạy ra tôi thấy người cầm chiếc cặp cùng chiếc xe đã chạy xa rồi. Tôi thấy hơi tiếc vì chưa kịp cảm ơn họ, chỉ mong một ngày nào đó sẽ may mắn gặp được ông chú để có thể gửi lời cảm ơn đến họ.

Sau cái ngày gặp ông chú với cái cặp táp ấy, tôi cảm nhận sâu sắc được nét thân thiện, hào sảng của người Sài Gòn. Trước đây tôi chứ nghĩ người ta chỉ trả cho người quen, ngờ đâu người không quen người ta cũng trả giùm, thiệt người Sài Gòn “dễ thương” hết biết. Bây giờ thi thoảng tôi cũng trả cho người lạ, khi thì ly cà phê, khi thì vài điếu thuốc,… Chỉ có điều mãi tôi vẫn chưa gặp lại ông chú với chiếc cặp táp cũ sờn đó.

Có sao nói vậy, người Sài Gòn không có tham

Một điều đặc biệt nữa mà tôi thấy ở người Sài Gòn đó là hầu như họ không tham của ai thứ gì. Cứ nói cái chuyện trả tiền quán ăn là biết. Khi ăn ở Sài Gòn, chủ quán không bao giờ ăn gian số tiền trả giùm đó. 100 là 100, 50 là 50 chứ không có chuyện gian dối, thêm thắt số tiền, nói dối người trả. Chứ kể ra thì nếu chầu ăn đó là 20 ngàn, chủ quán nói thành 30 ngàn thì cũng chẳng ai biết cả. Ấy thế mà chủ quán chỉ nói giá tiền thật mà thôi.