Những bóng hồng trong cuộc đời nhạc sĩ Lam Phương _ NVSGX

   

Nhạc sĩ Lam Phương không chỉ nổi tiếng với những ca khúc bất hủ mà những cuộc tình của ông cũng tốn không ít giấy mực của báo giới.

Nhạc sĩ Lam Phương trải qua nhiều cuộc tình khó quên, có tác động rất lớn đối với sự nghiệp âm nhạc của mình

 

Thông tin nhạc sĩ Lam Phương qua đời tại Mỹ hôm 22.12 (giờ địa phương) khiến nghệ sĩ và khán giả tiếc thương. Trong hơn nửa thế kỷ viết nhạc, ông sáng tác nên hàng loạt ca khúc đình đám, được nhiều thế hệ ca sĩ trình diễn như: Thành phố buồn, Cỏ úa, Bài tango cho em, Kiếp nghèo, Tình bơ vơ, Duyên kiếp, Biển tình... Không chỉ sở hữu gia tài âm nhạc đồ sồ, chuyện tình cảm của nhạc sĩ Lam Phương cũng khiến nhiều người ấn tượng.

Ca sĩ Bạch Yến

Người tình đầu tiên của nhạc sĩ Lam Phương là ca sĩ Bạch Yến, kém ông 5 tuổi. Dù mới 11 tuổi, bà đã thể hiện tài âm nhạc thiên bẩm khi đoạt giải nhất Huy chương vàng giọng ca nhi đồng do Đài phát thanh Pháp Á tổ chức. Sau này, bà nổi tiếng và trở thành gương mặt sáng giá, cùng thời với dàn nghệ sĩ như: Bích Chiêu, Khánh Hà, Lưu Bích…

 
Ca sĩ Bạch Yến từng làm say lòng nhạc sĩ Lam Phương bởi tài sắc vẹn toàn

Thời điểm này, Lam Phương cũng đang trong giai đoạn chập chững vào nghề. Sau khi sáng tác ca khúc Kiếp nghèo, ông được công chúng đón nhận tích cực. Với vóc dáng thư sinh, phong độ, nhạc sĩ Lam Phương nhanh chóng lấy lòng được ca sĩ Bạch Yến. Cả hai có mối tình lãng mạn nhưng nhanh chóng rơi vào ngõ cụt khi Bạch Yến sang Pháp du học. Sau đó, bà may mắn được Ed Sullivan mời sang Mỹ và càng thêm nổi tiếng. Theo nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn, Bạch Yến là ca sĩ Việt Nam duy nhất hiện diện bên cạnh những nghệ sĩ quốc tế đình đám những thập niên trước như: Bob Hope, Bing Crosby, Pat Boone… Chính cuộc tình chia ly với nữ ca sĩ Bạch Yến đã giúp Lam Phương sáng tác nên hàng loạt ca khúc bất hủ, gắn liền với từng giai đoạn tình cảm của ông như: Chờ người, Tình bơ vơ, Trăm nhớ ngàn thương, Tình chết theo mùa đông, Tiễn người đi…

Ca sĩ Minh Hiếu

Bóng hồng thứ hai trong cuộc đời của nhạc sĩ Lam Phương là ca sĩ Minh Hiếu. Bà gây ấn tượng bởi khuôn mặt xinh đẹp, quyến rũ cùng giọng ca đặc biệt. Thời điểm này, Minh Hiếu cùng với danh ca Thái Thanh, Thanh Thúy, Hùng Cường, Duy Khánh… là những gương mặt ăn khách, mang về doanh thu khủng cho các bầu show. Trong một buổi nhạc hội ở Nha Trang, nhạc sĩ Lam Phương đã đến làm quen và rủ ca sĩ Minh Hiếu ra bãi biển đi dạo sau khi chương trình kết thúc. Nhờ khoảnh khắc này, ông đã sáng tác nên ca khúc thơ mộng Biển tình. Tiếp đến, ông còn sáng tác loạt nhạc phẩm kỷ niệm mối tình này như: Biết đến bao giờ, Em là tất cả (Thao thức vì em)…

 

 

Danh ca Minh Hiếu chính là người làm nên cảm hứng cho nhạc sĩ Lam Phương viết bài Biển tình
 

Ca sĩ Hạnh Dung

Người đẹp thứ ba mà Lam Phương gặp gỡ và say đắm là ca sĩ Hạnh Dung. Mặc dù xinh đẹp nhưng tên tuổi của bà không đình đám như hai mối tình trước của nhạc sĩ Lam Phương. Công việc chính của bà là sinh hoạt tại một đội văn nghệ địa phương. Mối tình cả hai cũng khá sâu đậm, như thông thường, Hạnh Dung cũng là nguồn cảm hứng giúp nhạc sĩ Lam Phương viết nên những ca khúc mới.

Thậm chí, những bài hát liên quan đến giai đoạn tình trường này còn được khán giả đón nhận nồng nhiệt như: Bọt biển (ghi dấu kỷ niệm hai người hẹn hò bên bờ biển), Giọt lệ sầu (khi Lam Phương buồn bã, rơi vào bế tắc trong tình yêu), Tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi (giai đoạn chia ly, không tìm được tiếng nói chung)… Đỉnh điểm cuộc tình của ca hai là ca khúc Lạy trời con được bình yên, mô tả sự giằng xé, muốn chấm dứt tình cảm với Hạnh Dung của ông. Một trong những ca khúc nổi bật, được đông đảo khán giả yêu thích của ông chính là bài Thành phố buồn, được sáng tác tại Đà Lạt khi Lam Phương có chuyến công tác xa người yêu Hạnh Dung.

Kịch sĩ Túy Hồng

Người phụ nữ thứ tư cũng là cuối cùng trong cuộc đời nhạc sĩ Lam Phương chính là vợ ông, kịch sĩ Túy Hồng. Túy Hồng tên thật là Trương Ánh Tuyết, là kịch sĩ nổi tiếng, từng tham gia ban kịch nói Dân Nam. Thời điểm này, bà được nhạc sĩ Lam Phương hướng dẫn thanh nhạc vì phát hiện có tố chất. Cả hai nảy sinh tình cảm và đi đến hôn nhân năm 1959, lúc này Túy Hồng mới 19 tuổi. Hai con gái của họ lần lượt chào đời mang tên Ánh Hằng và Ánh Loan. Chính gia đình hạnh phúc này đã giúp ông có cảm hứng sáng tác bài Ngày hạnh phúc.

Nhạc sĩ Lam Phương và kịch sĩ Túy Hồng thời trẻ

Sau năm 1975, gia đình nhạc sĩ Lam Phương sang Mỹ định cư. Điều đáng buồn là sau 20 năm chung sống, cuộc hôn nhân của ông chính thức đổ vỡ. Tại đây, nam nhạc sĩ đã đau xót viết nên ca khúc Lầm.

Sau này, Lam Phương không còn sáng tác nữa, nhưng “gia tài” âm nhạc của ông đã lên đến hơn 200 ca khúc. Chia sẻ về tình trường đầy cảm xúc của mình, chính ông cũng từng thừa nhận với báo giới rằng “chuyện tình của tôi, buồn nhiều hơn vui”. Năm 1999, Lam Phương bị tai biến mạch máu não, liệt nửa thân người. Mặc dù hồi phục nhưng nam nhạc sĩ đi đứng khó khăn, phải ngồi xe lăn. Những năm cuối đời, ông sống ở TP.Fountain Valley, California cùng gia đình chị Bảy, em gái út của mình.

 

Nhạc Lam Phương không phải bài nào cũng viết về tình yêu, sự tưởng tượng của anh ấy đáng gờm và ghê gớm, trí óc tự dựng câu chuyện để viết thành lời nhạc. Đó là vì sao nhạc của Lam Phương được mến mộ khắp mọi nơi. Hầu hết ca sĩ ở nước ngoài, hay ca sĩ hát dòng nhạc trữ tình đều muốn hát nhạc của ông. Mỗi người đều tìm thấy trong âm nhạc Lam Phương một sự đồng cảm sâu sắc, sự chia sẻ khi yêu. Cuộc tình ấy dù còn, dù mất đều sống mãi trong lòng chúng ta, một phần chính nhờ tình khúc Lam Phương

 

Cảm nhận chuyện tình buồn thời chiến qua ca khúc "Chuyện Tình Cô Lái Đò Bến Hạ" (Hoàng Thi Thơ) _ Lối Cũ

Cảm nhận chuyện tình buồn thời chiến qua ca khúc "Chuyện Tình Cô Lái Đò Bến Hạ" (Hoàng Thi Thơ) _ Lối Cũ

Sau câu chuyện tình nổi tiếng kể về người con gái tên Thi, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã kể tiếp về một câu chuyện tình khác. Cũng của một người con gái, cũng u sầu và thê lương không kém. Đó là chuyện tình của một cô gái xinh đẹp đưa đò nơi bến Hạ. 

Ông từng viết trên một tờ nhạc gốc của bài hát với nội dung nói rằng ông rất say mê những chuyện tình đẹp, và Chuyện Tình Cô Lái Đò Bến Hạ chính là một câu chuyện tình như vậy. 

Nhạc Sĩ Hoàng Thi Thơ

Chuyện là, Có một cô nữ sinh xinh đẹp như hoa. Vì nhà nghèo, cô bỏ học sớm và giúp mẹ đi đưa đò nơi bến Hạ. Cô gái đưa đò xinh đẹp nên được nhiều người mến mộ vây quanh. Nhưng cô từ chối tất cả, và đem lòng mình trao gửi nơi một người lính chiến. Nhưng cuộc đời trái ngang, anh một đi không trở lại. Biết được tin anh đã hy sinh nơi chiến trường, nàng buồn khổ bỏ bến ra đi tìm kiếm bóng hình xưa cũ, và cũng nằm xuống nơi khói lửa chiến tranh:

 

Một xóm nghèo ven sông

Có con đò tên là đò bến Hạ

Một gái nghèo đoan trang

 

Nhan sắc nàng như là một đóa hoa

 

Nhà vốn nghèo cho nên

 

Sớm xa lìa sách đèn cùng mái trường

Ngày ngày ra bến giúp mẹ đưa đò

Bến Hạ đưa đò

 

Gái đẹp đưa đò

 

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Chuyện Tình Cô Lái Đò Bến Hạ" Trình bày: Thuý Hằng, Thanh Nga, Hùng Cường

 

Bấm vào để nghe ca khúc "Chuyện Tình Cô Lái Đò Bến Hạ" Trình bày: Thuý Hằng, Thanh Nga, Hùng Cường

 

 

Câu chuyện như hiện ra trong từng lời ca, câu hát. Ở một xóm nghèo ven sông, có một cô “gái đẹp đưa đò”. Một cô gái nghèo nhưng đoan trang và đẹp như “một đóa hoa”, vì nhà vốn nghèo nên ngày ngày cô ra phụ mẹ đưa đò qua bến Hạ. Vì rất xinh đẹp nên nhiều khách qua đò luyến tiếc rằng “sao đò lại chóng qua”? Nhiều chàng “trai làng ba hoa” nói rằng cô như nàng tiên có phép lạ, nhưng quá rõ ràng rằng họ bị cô gái đẹp thu hút nên quên cả thời gian lẫn không gian. Họ vây quanh nàng như ong bướm bị thu hút bởi một bông hoa tuyệt đẹp. Họ trổ tài “khoe khoang” muốn chiếm trọn trái tim cô. Nhưng cô vẫn dửng dưng và chưa khi nào đáp lại những lời ong bướm đó. Vì trái tim nàng đã trao trọn cho một “người thời chiến chinh”.

Ngày tiếp ngày trôi qua

Biết bao người qua đò dòng bến Hạ

Nhiều khách đò ngây ngô

Hay trách nàng sao đò lại chóng qua

 

 

Nhiều trai làng ba hoa

Ý như là đoán nàng dùng phép lạ

Nào đâu biết sắc đẹp là mắt mơ

 

Thấy đẹp quên giờ

Gái đẹp đưa đò

 

 

Nhiều anh chàng khoe khoang

Chiếm tim nàng nhưng nàng nào đáp tình

Vì tấm lòng băng trinh

Ai đã nguyện cho người thời chiến chinh

 

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Chuyện Tình Cô Lái Đò Bến Hạ" Trình bày: Thuý Hằng

 

Bấm vào để nghe ca khúc "Chuyện Tình Cô Lái Đò Bến Hạ" Trình bày: Thuý Hằng

 

 

Câu chuyện tình của họ bắt đầu khi cô đưa một “đoàn anh hùng sang sông”. Họ là những người anh hùng, là những người lính “đánh trận quên mình”, và cô đã trao trọn cho một người lính như vậy, một người “lính trận chân thành, lính trận chung tình”.

Đoàn anh hùng sang sông

Trái tim nàng trao về một bóng hình

 

Một người lính chiến đánh trận quên mình

Lính trận chân thành

Lính trận chung tình

Và còn gì vui hơn khi anh ấy cũng trao gửi hết tâm tình nơi cô gái. Nhưng phải tiếp tục hành trình chinh chiến, anh gửi lại nơi bến Hạ một lời thề rằng xong nhiệm vụ sẽ quay về nên duyên cùng cô lái đò. Thế nên, ngày qua ngày, đêm lại đêm, mấy mùa xuân cứ thế trôi qua. Trên bến đò xưa đã bao lần vang lên khúc quân hành, bao đoàn quân nhân nối tiếp nhau trở về. Nhưng bóng dáng cô gái đưa đò tìm kiếm vẫn “nào đâu thấy". Anh không thấy về, nhưng cô vẫn luôn mong chờ tùng phút không ngơi nghỉ.

Người anh hùng qua sông với câu thề quay về

thì cưới nàng

Và mấy lần xuân sang

Trên bến đò quân hành người hát vang

Tìm trong đoàn quân nhân

Những anh hùng quay về từ chiến trận

Mà nào đâu thấy bóng người tôn thờ

Lính trận không về

Bến Hạ mong chờ

Rồi một ngày, cô cũng đợi được tin anh. Nhưng trái ngang thay “người anh hùng” ấy đã hy sinh, đã mãi mãi nằm lại một nơi trời xa không bao giờ có thể lại nữa. Cô đau xót, cô bi thương chìm ngập trong tình yêu và nỗi nhớ. Và từ đó không ai còn thấy cô đưa đò nơi bến Hạ ấy nữa. Giờ chỉ còn lại một “bến Hạ bơ phờ” vì vắng bóng nàng đưa đò. Vì ghi dấu câu thề xưa không thể dứt ra, cô đi tìm anh, người mà trong lòng cô luôn khắc ghi. Nhưng bóng dáng ấy đâu thấy, chỉ thấy người đời xót xa khi đứng nhìn tên cô được khắc trên mộ bia, một “nắm mộ hoang tàn người tiết trinh”. Cô ra đi trong loạn lạc chiến tranh, vì mãi đi tìm bóng hình người mà cô yêu. Nên bến Hạ giờ đây đã hoàn toàn vắng bóng cô gái đưa đò xinh đẹp ngày nao, giờ chỉ còn là một bến Hạ cô độc, lẻ loi và tràn đầy sự “u buồn”:

Rồi có người qua sông

báo tin chàng không bao giờ còn quay về

Người anh hùng hy sinh những ước thề cô đò còn khắc ghi

Người anh hùng ra đi không quay về đau lòng người bến Hạ

Và từ tin đó khách đò trông chờ

Bến Hạ bơ phờ

Vắng nàng đưa đò

 

Rồi tới ngày đau thương khách qua đường đau lòng mà đứng nhìn

Hạ tên nàng ghi bia

Bên nắm mộ hoang tàn người tiết trinh

Vì chung tình cho nên cô lên đường đi tìm người yêu mình

Rồi trong lửa khói súng giặc điên cuồng giết người chung tình

Bến Hạ u buồn

 

Tác giả, người nghe chuyện, người biết chuyện và là người kể chuyện cũng không khỏi xót thương mà thốt lên mấy câu:

Đời hồng nhan cô có biết không

Đời gian nan là kiếp má hồng

Đời hồng nhan nên nước mắt tuôn

Nhiều gian truân và lắm đau buồn …

Ông đau buồn thay cho một số kiếp hồng nhan mà bạc phận. Nhưng biết làm gì hơn khi số trời đã định. Người chung tình luôn là những người đáng được trân trọng, đáng được yêu thương và xứng đáng với niềm hạnh phúc toàn vẹn nhất. Nhưng họ cũng chính là những người sẽ ôm trọn nỗi đau của một người ở lại nếu như chuyện tình tan vỡ. Dù là với lý do gì, tình tan thì lòng người cũng tan. Bởi vì thế nên mới có câu thơ vĩnh hằng viết: “Người đi một nửa hồn tôi mất/ Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ” (thơ Hàn Mặc Tử).

Nhiều người thắc mắc rằng bến Hạ trong bài thơ là địa danh ở nơi nào? Ở bến nào? Nhưng đó chỉ là một bến đò trong tưởng tượng của nhạc sĩ mà thôi. Có lẽ đây cũng chính là sự tinh tế trong suy nghĩ của ông. Vì có lẽ trong cái thời chinh chiến ấy, không chỉ có một bến đò đưa khách sang sông, không chỉ có một cô gái xinh đẹp ấy, không chỉ có một người lính chân thành ấy, và không chỉ có một chuyện tình thuỷ chung mà thấm đượm u buồn như vậy. Mà là có vô số, đúng, chính là vô số chuyện tình đẹp đẽ và luôn khiến cho người đời phải vương vấn, phải tiếc thương.

 

Lời bài hát "Chuyện Tình Cô Lái Đò Bến Hạ"

Một xóm nghèo ven sông

Có con đò tên là đò bến Hạ

Một gái nghèo đoan trang

Nhan sắc nàng như là một đóa hoa

 

Nhà vốn nghèo cho nên

Sớm xa lìa sách đèn cùng mái trường

Ngày ngày ra bến giúp mẹ đưa đò

Bến Hạ đưa đò

Gái đẹp đưa đò

 

Ngày tiếp ngày trôi qua

Biết bao người qua đò giòng bến Hạ

Nhiều khách đò ngây ngô

Hay trách nàng sao đò lại chóng qua

 

Nhiều trai làng ba hoa

Ý như là đoán nàng dùng phép lạ

Nào đâu biết sắc đẹp là mắc mơ

Thấy đẹp quên giờ

Gái đẹp đưa đò

 

Nhiều anh chàng khoe khoang

Chiếm tim nàng nhưng nàng nào đáp tình

Vì tấm lòng băng trinh

Ai đã nguyện cho người thời chiến chinh

 

Đoàn anh hùng sang sông

Trái tim nàng trao về một bóng hình

Một người lính chiến đánh trận quên mình

Lính trận chân thành

Lính trận chung tình

 

Đời hồng nhan ai có biết không

Đời gian nan là kiếp má hồng

Đời hồng nhan nên nước mắt tuôn

Nhiều gian truân và lắm đau buồn ...

 

 

Người anh hùng qua sông với câu thề quay về

thì cưới nàng

Và mấy lần xuân sang

Trên bến đò quân hành người hát vang

Tìm trong đoàn quân nhân

Những anh hùng quay về từ chiến trận

Mà nào đâu thấy bóng người tôn thờ

Lính trận không về

Bến Hạ mong chờ

 

Rồi có người qua sông

báo tin chàng không bao giờ còn quay về

Người anh hùng hy sinh những ước thề cô đò còn khắc ghi

Người anh hùng ra đi không quay về

đau lòng người bến Hạ

Và từ tin đó khách đò trông chờ

Bến Hạ bơ phờ

Vắng nàng đưa đò

 

Rồi tới ngày đau thương khách qua đường

đau lòng mà đứng nhìn

Ha tên nàng ghi bia

Bên nắm mộ hoang tàn người tiết trinh

Vì chung tình cho nên cô lên đường

đi tìm người yêu mình

Rồi trong lửa khói súng giặc điên cuồng

giết người chung tình

Bến Hạ u buồn

 

Đời hồng nhan cô có biết không

Đời gian nan là kiếp má hồng

Đời hồng nhan nên nước mắt tuôn

Nhiều gian truân và lắm đau buồn