Nỗi lòng của người chinh phụ thời chiến loạn qua ca khúc "Xa Vắng" của nhạc sĩ Y Vân _ NVSGX

   

Trong kho tàng sáng tác của nhạc sĩ Y Vân có hai bài hát được ông lấy cảm hứng từ tác phẩm kiệt tác văn học chữ Hán của Đặng Trần Côn, dựa theo bản dịch của dịch giả Đoàn Thị Điểm mang tên Chinh Phụ Ngâm (hay còn được gọi là Chinh Phụ Ngâm Khúc).  Một trong đó là ca khúc có tựa đề Xa Vắng. 

Chinh Phụ Ngâm là tác phẩm mang nỗi đau, sự buồn tủi của người chinh phụ phải xa chồng do thời cuộc chiến loạn. Nỗi lòng đó chẳng khác là bao với hình ảnh của những người phụ nữ Việt Nam vào nửa sau thế kỷ 20. Nên đã có rất nhiều bài hát của rất nhiều nhạc sĩ được lấy cảm hứng từ bài thơ vĩ đại này. 

 

Nhạc sĩ Y Vân

Xa Vắng của Y Vân là một trong những ví dụ điển hình nhất:

Ngày anh xa vắng

 

Em không trang điểm đợi chờ

Những đêm gió lạnh đầu hè

Khuê phòng phủ kín tâm tư

 

Nhìn từng hạt mưa sa

Thương đời biển sầu bao la

Để cho cành hoa héo khô

Lỡ cung ái ân xuân thì

Tâm sự của một người phụ nữ khi vắng chồng dần hiện lên ngay từ những câu hát đầu tiên. Ngày vắng anh, cô không còn thiết trang điểm mà làm gì nữa phấn son cũng “xếp lại chẳng dùng”, vì có đẹp cũng đâu còn anh ngắm. Khuê phòng cũng đã phủ kín những tâm tư u sầu. Nhìn từng hạt mưa, với từng cơn gió lạnh trong đêm cô thấy đời mình là một “biển sầu bao la”. Và cô chỉ biết chờ đợi mỏi mòn theo tháng năm, không biết là phải đợi chàng “một hai năm” hay là phải đợi “cả đời xuân xanh”. Nhưng cho dù phải đợi chờ bao lâu đi chăng nữa, thì lòng cô cũng chỉ mong ước được “tái ngộ một lần”, dù chỉ một lần thôi thì cũng cảm thấy hạnh phúc rồi.

 

 

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Xa Vắng" Trình bày: Hoàng Oanh

Bấm vào giữa hình trên để nghe "Xa Vắng" Trình bày: Hoàng Oanh

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Xa Vắng" Trình bày: Thanh Tuyền

 

Bấm vào giữa hình trên để nghe "Xa Vắng" Trình bày: Thanh Tuyền

 

Ngày anh xa vắng

Phấn son xếp lại chẳng dùng

Trắng đêm đối ngọn đèn tàn

 

Trăng mờ lạnh giấc cô miên

Đợi chàng một hai năm

Hay là cả đời xuân xanh

 

Ngày nao đầu pha tuyết sương

Vẫn mong tái ngộ một lần

Vì người đàn ông cô yêu thương đang phải chinh chiến nơi chiến trường xa xôi, từng ngày vất vả gieo neo nơi rừng sâu. Anh cũng mong một ngày thắng trận, để vai anh “mang vòng hoa” trở về chung vui cùng cô nơi quê nhà. Còn cô thì sẽ lấy nỗi nhớ làm động lực mà “khuya sớm chăm lo miền quê”, và một lòng chờ đợi anh trở về. 

 

Chàng đi chinh chiến

Gieo neo rừng khuya

Là mong chiến thắng vai mang vòng hoa

 

Còn em khuya sớm chăm lo miền quê

Cho lúa lên ngôi hai mùa

Sống cho tình yêu thế hệ

 

Những mong ước đó cô hy vọng một ngày nào đó sẽ trở thành sự thật. Ngày đó những giọt nước mắt chia ly ngày nào, những giọt nước mắt trọng đợi chờ, trong cô đơn, buồn tủi sẽ thay bằng những giọt nước mắt của ngày đoạn tụ, những giọt nước mắt hạnh phúc vỡ òa. Vì kể từ ngày anh xa vắng, nước mắt cô đã “rơi nhiều hơn nước mưa, dẫu cho bốn biển chẳng vừa”

Ngày anh xa vắng

Tóc buông giữ vẹn lời thề

 

Ước mong ngấn lệ ngày về

Thay dòng nước mắt chia ly

Vì trời làm phong ba

 

Nên đời hội ngộ chia ly

Lệ rơi nhiều hơn nước mưa

Dẫu cho bốn biển chẳng vừa..

 

Có từ ngữ nào diễn tả được nỗi đau của sự chia ly? Của sự đợi chờ trong vô vọng, đợi chờ mà tương lai không biết sẽ ra sao? Đợi chờ mà có thể sẽ mang lại cho họ nỗi đau đớn tột cùng nhất? Không có, không thể nào có được. Vậy nhưng, không ai có thể ngăn họ chờ đợi, ngăn họ nhớ nhung, và ngăn họ tin tưởng vào một ngày hạnh phúc sẽ trở về. Đó chính là nét đẹp của người chinh phụ, người có chồng chinh chiến nơi phương xa đó. Vì niềm đau thương của nước nhà, họ đành gác lại tình riêng, kìm lại nỗi đau, kìm lại nỗi nhớ và âm thầm chiến đấu, âm thầm chờ đợi nhau. Đó chính là vì tình yêu, vì tình yêu đôi lứa sắc son, và hơn hết chính là tình yêu quê hương đất nước.

Xa Vắng của nhạc sĩ Y Vân chính là một ca khúc chạm vào cảm xúc từ tận đáy lòng. Làm cho ta cảm nhận được sâu sắc nỗi đau, niềm tin, và tình yêu của những người yêu nhau, và của những người yêu quê nhà, yêu đất nước. Đến tận bây giờ, khi nghe ca khúc này, tôi vẫn thổn thức theo người phụ nữ ấy, sao hình ảnh chờ đợi ấy nó lại đẹp đến như thế? Và lay động lòng người đến như thế? Có lẽ tôi đã yêu mất rồi, yêu những con người mộc mạc mà đầy tình cảm của ngày xưa. Yêu cả những sự thủy chung, son sắt mà họ dành cho nhau. Yêu cả sự chờ đợi, sự bi thương đẹp đẽ của những con người có tình. Và yêu lắm quê hương tôi. Những ngày tháng xưa cũ ấy, những hình ảnh xưa cũ ấy cứ thế tràn về trong từng câu ca tiếng nhạc, làm cho lòng tôi không thể ngừng xao xuyến.