Sài Gòn 1970 có thang cuốn, Chợ Lớn có “ziển phảnh” _ NVSGX

   

Ấn tượng Sài Gòn đầu tiên với tôi, thằng nhóc Trà Vinh 10 tuổi lên Sài Gòn du hí hè lúc ấy là được ngồi dưới cái cảng xe xích lô máy ngắm phố phường đông đúc trong tiếng máy nổ “pành pành” hùng dũng, oai vệ.

Tôi biết Sài Gòn từ đầu thập niên 1970, trong mắt cậu bé lên 10 dân tỉnh lẻ thời đó Sài Gòn vô cùng ấn tượng và thú vị.

Cứ mỗi hè về, Sài Gòn là phần thưởng cho thành tích học tập cả năm. Năm anh chị em lóc nhóc chúng tôi được mẹ dắt díu đi xe đò từ Trà Vinh lên Sài Gòn. Hai trăm cây số nhưng có khi mất cả ngày vì kẹt phà Mỹ Thuận, vì những trở ngại bởi chiến tranh… Chờ đợi, mệt nhọc nhưng khi Xa cảng Miền Tây hiện ra thì dường như ai cũng hân hoan, háo hức.

Oai vệ ngồi ở cảng xe xích lô máy nổ “pành pành”

Ấn tượng Sài Gòn đầu tiên với tôi chính là được ngồi dưới cái cảng xe xích lô máy ngắm dòng người, phố phường đông đúc, thích hơn nữa bởi tiếng máy nổ “pành pành” hùng dũng, oai vệ!

Lên Sài Gòn, đi xích lô máy thời những năm 1960-1970 là “oai” lắm – Ảnh: LIFE

Oai vệ ngồi ở cảng xe xích lô máy nổ “pành pành

👉 Cùng tìm hiểu thêm về con đường xưa nhất tại Sài Gòn

Những chiếc xích lô máy nhiều màu sắc.

Thời đó từ quê tôi lên Sài Gòn còn có cả tuyến hàng không chỉ mất nửa giờ bay. Tôi từng có một chuyến bay khứ hồi nhưng xem ra đi xe đò vẫn… thú hơn.

 Lên Sài Gòn chúng tôi thường tá túc nhà người cậu ở đường Tháp Mười, đối diện chợ Bình Tây mà nhiều người vẫn quen gọi là “Chợ Lớn mới”. Ngay sát chợ có ngôi nhà cổ tường vôi, trên chóp cao có gắn cây cột thu lôi.

Ấn tượng Sài Gòn xưa với tôi còn là những chiếc taxi màu xanh trắng mà mẹ tôi gọi là “xe con rùa”. Xe khá chật hẹp, không máy lạnh, chỉ có cây quạt máy nhỏ gắn trên trần xe. Xe khác không biết so chớ mấy xe tôi đi không thấy đồng hồ tính tiền và cũng ít ai hỏi giá trước, cứ tới nơi là “nói nhiêu trả nhiêu” mà dường như không nghe thấy chuyện “chặt chém”.

Nhưng gắn bó nhất với tôi chính là chiếc xe lam. Xe lam có mặt ở nhiều tuyến đường và có thế mạnh là muốn ghé đâu ghé, không cần trạm dừng như xe buýt. Tài xế xe lam có lẽ là những người “lanh mắt nhất hành tinh” khi giữa dòng xe cộ đông đúc mà chỉ cần bạn “nhích nhẹ cánh tay” là “tấp vô ngay”. Giá cả thì hết sức “hữu nghị”, xe không có lơ, khách xuống xe chỉ cần “khều lưng” tài xế đưa tiền là xong, ít khi thấy cãi vã, kỳ kèo chuyện tiền bạc.

Xe lam, taxi, xích lô máy ở khu vực trung tâm Sài Gòn, trước chợ Bến Thành những năm 1970 – Ảnh tư liệu

👉 Cùng tìm hiểm thêm về con đường xưa nhất tại Sài Gòn

Hồi đó có khi cả ngày mấy anh em tụi tui tới lui trên những chuyến xe lam. Số là mỗi khi lên Sài Gòn là phải đi coi phim kiếm hiệp, võ thuật Hồng Kông cho đã, thời đó chúng tôi mê như điếu đổ mấy cái tên Lý Tiểu Long, Khương Đại Vệ, Địch Long, Trần Quang Thái, Sương Điền Bảo Chiêu…

Đầu tiên là hai rạp Lê Ngọc và Đại Quang thường chiếu phim mới trên đường Châu Văn Liêm ngày nay. Do muốn xem lại một vài phim cũ nên phải “nhờ xe lam” đưa ra các rạp vùng ven ngoại thành. Mấy anh chị lớn thích xem phim Pháp, Mỹ… thì tới rạp Rex, Mini Rex ở trung tâm Sài Gòn. Còn “hộ tống” mẹ xem cải lương, hồ quảng có rạp Thủ Đô, Hào Huê…, đại nhạc hội thì thường ở rạp Quốc Thanh, Lệ Thanh…

Với tôi thì thích nhất vẫn là xem phim vì được… ngồi máy lạnh xem đi xem lại cả ngày (chiếu thường trực mà)! Có một kỷ niệm với xe lam là lần đó khi chiếc xe vừa vòng ra cổng xa cảng Miền Tây thì lật nhào do tránh chiếc xe đạp.

10 người trong xe đổ chồng lên nhau la chí chóe, nhiều người xúm lại cứu giúp, giở xe lên, tội nghiệp bác tài tuổi ngoài 50 luống cuống thăm hỏi, xin lỗi mọi người; đồ đạc của ai còn đó, không có cảnh mất mát, cãi vã mỗi khi va quẹt như hiện nay. Tôi nhận thấy chiếc xe này thật lạ, lòn lách hay mà cũng dễ nhào đầu!

Sài Gòn hiện đại, Chợ Lớn ăn ngon

Nói về tính hiện đại thì thời nào cũng vậy, Sài Gòn là nhất. Đi nhà hàng với tôi không vì món ăn mà là được “đi thang máy”. Còn thang cuốn ngày nay tràn lan thì Sài Gòn trước năm 1975 nếu thằng nhóc 10 tuổi ở tỉnh lẻ lên lúc đó chắc đi không hết nên với tôi thì có ở thương xá Tam Đa, rạp Rex… ở quận nhứt.

Nhưng có lẽ cái không thể không nói chính là người Sài Gòn, văn hóa Sài Gòn.

Sài Gòn có cái đặc biệt là hình thành hai khu vực có nét văn hóa, sinh hoạt khá khác biệt là khu Sài Gòn và khu Chợ Lớn. Khu Chợ Lớn với nhiều người Hoa sinh sống, từ đó hình thành một không gian “tiểu Hồng Kông” với ngôn ngữ phổ biến là tiếng Quảng Đông (người Hoa ở khu Chợ Lớn dù là người Tiều, Hẹ, Phước Kiến, Hải Nam… đều có thể nói thông thạo tiếng Quảng Đông; ở Bệnh viện Triều Châu (nay là BV An Bình) nơi chị tôi làm y tá vẫn sử dụng tiếng Quảng Đông là chính).

Chợ Lớn mạnh về ăn uống và mua bán các mặt hàng tiêu dùng như khu La Cai, các chợ Bình Tây, An Đông, Kim Biên…

Món ăn Chợ Lớn” mà tôi thích tới ngày nay chính là món bột chiên từ các chiếc xe đẩy trên đường phố; là các xe mì gõ, “ziển phảnh” (hủ tíu bò viên)…, cũng như thích lạc vào “thế giới người Hoa” với xây chừng (cà phê đen), xây nại (cà phê sữa), tài có (đại ca – anh trai), ngọ – nị (mày – tao)…

Khác với sự sầm uất của Chợ Lớn, khu Sài Gòn thông thoáng, hiện đại hơn, mang dáng dấp Tây hơn với nhiều khu ăn chơi dành cho giới thượng lưu, sĩ quan, quan chức chính quyền Sài Gòn và quân đội đồng minh.

Là nơi mà người dân tỉnh lẻ chúng tôi ít có điểm “ghé vào”, có chăng là… dạo vài vòng ngắm cảnh.

Theo Tuổi trẻ