Trước 1975, người Sài Gòn đi xe gì? _ NVSGX

   

Có thể nói xe đạp và xe gắn máy là phương tiện di chuyển chiếm đa số tại miền Nam nước ta trước 1975 và cho đến nay. Bài viết hệ thống lại một cách khá toàn diện về những chiếc xe gắn máy đã hiện diện tại miền Nam trước 1975.

Sự hiện diện của “tứ đại gia”

Cả “tứ đại gia” của làng xe gắn máy Nhật là Honda, Yamaha, Suzuki, Kawasaki đều đã có mặt tại miền Nam thời kì trước 1975.

Hãng Suzuki tung ra kiểu xe nam M15 và M12 và xe Suzuki Dame, M31. Hai kiểu xe nam đại khái giống nhau, dùng cùng một động cơ nhưng kiểu thể thao có ống pô vắt cao và vè trước ngắn để trông có vẻ thể thao hơn.

Suzuki M15

Hãng Yamaha có hai kiểu xe nam, trong đó có kiểu YF5, và một kiểu Yamaha Dame. Xe Yamaha nam kiểu đẹp, nhiều bộ phận xi bóng loáng. Yamaha Dame sơn màu xanh da trời, với đường cong dịu dàng, trông rất mỹ thuật. Các xe Yamaha xem ra không được ưa chuộng bằng Honda vì máy không mạnh bằng.

Xe Suzuki Dame và Yamaha Dame đèn trước thấp hơn xe Honda Dame, trông vẻ nhu mì thích hợp với các cô mặc áo dài.

Xe Kawasaki

Kawasaki là hãng nhỏ nhất trong các hãng xe Nhật lúc đó, chỉ đưa sang một kiểu xe nam. Xe Kawasaki chạy tuy tốt nhưng bị chê là nặng và máy yếu. Những chiếc xe đem sang Việt Nam là kiểu dùng sườn của xe 80cc, thay vào đó bằng động cơ 50cc để được xếp vào loại vélomoteur, không cần bằng lái.

Hiệu xe ít người nhớ đến có lẽ là Bridgestone.

Bridgestone 1969

Bridgestone là hãng chuyên chế tạo vỏ bánh xe nhưng lúc đó cũng có một phân bộ chuyên sản xuất xe môtô để đua. Kiểu Bridgestone đem sang Việt Nam năm 1966 có máy 65cc. Vì thế xe Bridgestone vọt rất mạnh. Đặc điểm của Bridgestone là hộp số có bốn số quay vòng giống như các xe đua, nghĩa là sang đến số bốn thì nhấn thêm sẽ trở về số một mà không phải trả số ngược lại. Xe Bridgestone chìm vào quên lãng của người Việt khi phân bộ xe môtô của hãng đóng cửa năm 1967 vì lý do là nếu sản xuất xe đua thì các hãng xe gắn máy Nhật khác không muốn mua vỏ xe của hãng kình địch với mình trong các cuộc đua.

Xe Nhật chiếm lợi thế tại Sài Gòn

Không như các hãng xe châu Âu giữ các kiểu xe y nguyên nhiều năm, các hãng Nhật ào ạt tấn công thị trường Việt Nam với các kiểu xe mới ra mỗi năm. Qua 1968, Honda tung ra xe CL50. CL là chữ viết tắt của Scrambler. Đó là kiểu xe được chế tạo để chạy các đường đất lồi lõm nên chỉ có bốn số, xe kéo mạnh ở số một và số hai, nhưng tốc độ tối đa kém xe Honda 67. Ống pô vắt cao để khỏi va chạm vào mô đất hay ngập nước.

Honda CL50

Qua 1969, Honda tung ra kiểu SS50M. Cũng dùng cùng máy và sườn như xe Honda 67 nhưng bình xăng dài hơn cho có vẻ thể thao. Qua năm 1970, Honda đưa sang kiểu CD50. Xe này cũng dùng cùng loại sườn và động cơ như SS50 nhưng bình xăng và hộp đựng đồ phụ tùng vẽ kiểu khác nên trông bề ngoài khác hẳn. Xe được chế tạo để chạy trong thành phố nên chỉ có bốn số với các số đầu kéo mạnh, thích hợp với cách chạy xe trong thành phố phải luôn luôn dừng lại đèn đỏ rồi lại bắt đầu vọt lên.

Xe Honda trần ngập đường phố

Cùng là kiểu SS50E, đến 1971, 1972, Honda tung ra kiểu xe với sơn đỏ metal và vè xi bóng, ghi đông cao kiểu sừng bò trông rất hấp dẫn. Honda thay đổi hình dáng bề ngoài thu hút thêm khách hàng mới. Năm 1969, Suzuki cũng tung ra kiểu xe mới AS50 trông rất thể thao và rất đẹp. Ngoài các kiểu xe Honda chính thức nhập cảng, trên đường phố Sài Gòn thỉnh thoảng xuất hiện một số kiểu xe Honda lạ như Honda Monkey, nhỏ xíu như xe con nít, hoặc Honda CT50, CT70, với chữ T là viết tắt của Trail, loại xe Honda dùng để đi dạo chơi ở đồng quê, trên các đường mòn nhưng tại Việt Nam trở thành phương tiện để đi học, đi làm.

Một bãi gửi xe toàn xe máy Nhật

Trong tất cả các loại xe Nhật, chỉ có Honda là dùng loại động cơ bốn thì, với xăng và nhớt chứa riêng còn các hãng kia dùng loại động cơ hai thì, chạy xăng pha nhớt.

Với các đủ loại xe tung vào thị trường, đường phố miền Nam trở nên nhộn nhịp với các loại xe đủ màu sắc. Đường phố Sài Gòn náo nhiệt với các cưa-rơ cúi rạp trên con ngựa sắt ra sức phóng, lạng, máy nổ ròn, đinh tai nhức óc. Đúng ra máy xe Honda chạy rất êm. Nhưng vì nhiều người đã tháo bỏ ốm tiêu hãm thanh gắn ở đầu ống khói nên máy nổ lớn. Ống này nhỏ như ống tiêu, với thân có đục nhiều lỗ, dài khoảng gang tay. Chỉ cần tháo con vít nhỏ ở đầu ống khói là kéo ông tiêu ra được. Lý do tháo ốm hãm thanh là vì người dùng thấy xe chạy vọt hơn.

Từ những chiếc xe nhỏ nhắn…

Sài Gòn nhiều xe hơn và cũng nguy hiểm hơn vì các xe Nhật đều chạy nhanh, vọt mạnh. Vì thế, một số phụ huynh lo ngại không muốn mua cho con mình chiếc xe quá mạnh. Hãng Honda tung ra loại xe PC50, cũng dùng động cơ 50 cc nhưng không cần sang số, và không vọt mạnh như các loại xe có sang số. Tốc độ khi chạy nhanh cũng có thể đến 60 km/giờ. Xe PC50 là kiểu P50 cải tiến lại với động cơ đặt vào giữa cho xe được thăng bằng hơn và có nhún cả ở bánh trước lẫn bánh sau. Cách sử dụng xe PC50 cũng giản dị như xe Mobylette chỉ cần đạp nổ máy rồi vặn ga phóng đi.

Honda PC50

Hãng Motobécane cũng tung ra kiểu xe Cady nhỏ nhắn thích hợp với giới học sinh. Cái tên Cady có lẽ từ chữ Cadet, cho biết đây là kiểu em út trong gia đình Motobécane. Tuy cũng dùng động cơ 50 cc nhưng xe chỉ chạy được tối đa 40km/giờ. Chạy chậm có vẻ là một khuyết điểm của xe cộ nhưng đây lại là ưu điểm vì nó là lý do để các bậc phụ huynh chọn mua xe cho con mình để được an tâm hơn. Với khuynh hướng thiết kế nhiều màu sắc vào đầu thập niên 1970, xe Cady lúc đầu sơn nâu, hay xám, về sau sơn các màu xanh đỏ vàng sặc sỡ. Cùng với sự xuất hiện của mini jupe, đường phố Sài Gòn thấy xuất hiện xe mini Cady với hai bánh xe nhỏ trông rất xinh xắn, đồng thời mini xe đạp cũng xuất hiện và các cô nữ sinh áo dài mini trông trẻ trung, tươi tắn tung tăng trên các loại xe mini đủ màu sắc.

… đến “yêng hùng xa lộ”

Xa lộ Biên Hòa, ngày nay gọi là xa lộ Hà Nội, thời đó còn rất ít xe nên trở thành đường thử và đua xe gắn máy. Các loại xe gắn được đem ra chạy hết tốc độ vào giờ ít xe. Tuy không có tạp chí phê bình, điểm các loại xe gắn máy nhưng ưu khuyết điểm của các loại được truyền miệng rộng rãi. Các loại xe máy hai thì tuy có thể chạy nhanh nhưng khi chạy với tốc độ cao nhiều giờ thì máy bị yếu đi, vận tốc giảm đi. Chỉ trừ có xe Honda là được khen là càng nóng máy, càng chạy mạnh. Đúng ra chỉ có xe Honda sau 1965 mới chạy lâu không bị giảm tốc độ vì Honda cải tiến hệ thống phun nhớt, làm cho nhớt phun rất nhiều khiến cho khi máy nóng không bị sức ma sát làm giảm tốc độ. Còn các loại Honda S65, C110, tuy có thể chạy được đến tốc độ hơn 100km/giờ nhưng khi nóng máy thì cũng bị chậm lại.

 

Động cơ Honda S65

Để tăng sức mạnh của xe, xi-lanh được xoáy cho rộng thêm từ 50cc thành ra 60cc, 70cc. Xe xoáy xi lanh chạy nhanh hơn, có thể đến hơn 100km/giờ nếu máy được chỉnh cho đúng.

Các loại xe máy trước năm 1975 - 60 năm trước người Sài Gòn xưa đi xe gì?

Một trò chơi đánh cá thời đó của các yêng hùng xe gắn máy, gọi chệch từ chữ anh hùng vì đua xe là can đảm nhưng không phải là đáng khen, là lách dưới xe be. Xe be là xe kéo các xúc gỗ dài năm, bẩy mét. Một đầu khúc gỗ được cột vào xe vận tải phía trước, đầu phía sau gắn vào rơ-mooc sau, còn giữa xe vận tải và rơ-mooc sau không có gì ràng buộc. Chiều cao từ thân cây đến mặt đường chỉ hơn một mét. Các tay đua đánh cá xem ai dám lạng chui dưới gầm xe be từ bên này qua bên kia. Vì khoảng cách thấp nên không thể chạy thẳng đầu mà người lái phải lạng cho xe nghiêng đi thì mới đủ thấp mà chui qua. Nếu tính sai thời gian, người lạng có thể bị hai bánh sau chạy tới đụng và cán chết.

Các loại xe máy trước năm 1975 - 60 năm trước người Sài Gòn xưa đi xe gì?

Xe gắn máy là phương tiện di chuyển, nhưng cũng là niềm say mê tốc độ của tuổi trẻ và sự hấp dẫn của màu sắc, kiểu dáng, tiếng nổ. Niềm say mê này đã ghi vào ký ức của nhiều người miền Nam lúc đó và tồn tại không phai nhạt với thời gian. Nó trở thành kỷ niệm đẹp mỗi khi nhớ lại giây phút dắt chiếc xe mới toanh đi về nhà và những ngày tháng rong ruổi trên những con ngựa sắt.