Xe đạp Thống Nhất, Phượng Hoàng... trong kí ức người Hà Nội thời bao cấp _ NVSGX

   

Những chiếc xe đạp của thập niên 60-80 là tài sản lớn của nhiều gia đình thời bấy giờ. Thậm chí có những chiếc xe còn được suy tôn là xe "siêu sang".

Xe đạp thống nhất

Những năm 80 của thế kỷ trước, xe đạp là phương tiện phổ biến nhất thời bấy giờ. Khi ấy, nếu gia đình nào sở hữu cho mình chiếc xe đạp, mà lại là xe đạp Thống Nhất thì đó chắc chắn là gia đình khá giả.

Một chiếc xe đạp Thống Nhất có giá lên tới nửa cây vàng vào những năm 80 của thế kỷ trước

 

Xe đạp Thống Nhất xuất hiện trong ký ức của nhiều người là một sản phẩm vô cùng chất lượng, không thua kém gì xe Peugeot của Pháp. Một chiếc xe đạp Thống nhất có giá lên tới nửa cây vàng lúc bấy giờ, một số tiền quá lớn đối với mức thu nhập của nhiều gia đình Việt Nam những năm tháng đó.

Phương tiện chủ yếu tại Hà Nội vào những năm 80 là xe đạp (hình ảnh tại ngã tư Bà Triệu - Tràng Tiền)

Hồi đó, xe Thống Nhất được coi như biểu tượng của sự giàu có, thành đạt, niềm mơ ước của hàng triệu người. Đó cũng là hình mẫu của người đàn ông thành đạt, một nữ sinh thanh lịch.

Còn thời chiến tranh, xe đạp được gọi là ngựa sắt chiến trường. Nhiều đội quân xe đạp thồ được thành lập, vượt mưa bom bão đạn đem gạo, muối, thuốc men... ra tiền tuyến, góp phần không nhỏ vào chiến thắng của dân tộc.

Xe đạp Thống Nhất trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử. Nhà máy được thành lập năm 1960 thì tới năm 1965, Nhà nước ra quyết định phân phối xe đạp giá cung cấp, trong đời một cán bộ, công nhân viên được mua một chiếc. Ai được phân phối sẽ kèm theo một số mua phụ tùng. 

Quyết định là vậy nhưng một năm, xí nghiệp hàng trăm người cũng chỉ được phân phối chưa đến mười chiếc. Có người được phân phối chiếc xe Thống Nhất, quý đến mức không dám đi, về treo xe lên trong nhà, hai bánh không để chạm đất, thỉnh thoảng ngồi ngắm và quay bàn đạp nghe tiếng xích líp kêu.

Công ty sản xuất chiếc xe đạp đó là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thống Nhất, tiền thân là nhà máy xe đạp Thống Nhất. Đánh vào chất lượng, cũng như định vị mình là dòng xe cao cấp, chính là phương thức truyền thông lúc bấy giờ của thương hiệu này. Chính cách làm này đã khiến cho hãng có một thời kỳ vẻ vang về doanh thu cũng như danh tiếng.

Thế nhưng, việc mở cửa kinh tế cũng như sự thay đổi khi xe máy dần trở thành phương tiện phổ biến hơn, khiến Thống Nhất không còn được coi trọng như trước nữa. Đến nay xe đạp Thống Nhất vẫn dẫn đầu sản xuất và kinh doanh xe đạp trong nước nhưng sức sống của thương hiệu không còn được như xưa.

Giấy chứng nhận quyền sở hữu xe đạp Thống Nhất. Thời kỳ bao cấp, xe đạp bắt buộc phải có số khung và thẻ đăng ký (luôn mang theo như giấy đăng ký xe máy như hiện nay. Ảnh: Đồng Linh)

Xe đạp Phượng Hoàng

Từng là một biểu tượng của sự giàu có, xe đạp Phượng Hoàng trong thời kỳ bao cấp được suy tôn thành xe "siêu sang" đặc biệt chỉ có giới thượng lưu mới có đủ tiềm lực kinh tế để sở hữu chúng. Thời kỳ trước năm 1980, gia sản lớn nhất của mỗi gia đình thời ấy là xe đạp, mỗi cán bộ đi làm đều được Nhà nước phân phối cho một chiếc xe đạp để đi làm. Ngày đó, nếu tính bằng thóc, một chiếc xe đạp Phượng Hoàng chắc bằng cả một năm thu hoạch nông sản của một gia đình nông dân.

Từng là một biểu tượng của sự giàu có, xe đạp Phượng Hoàng trong thời kỳ bao cấp được suy tôn thành xe "siêu sang".

Tuy nhiên, sau cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, lượng hàng hóa Trung Quốc về Việt Nam nhỏ giọt, để mua xe Phượng Hoàng không phải là dễ, thậm chí người dân phải bỏ ra vài cây vàng mới có thể mua được chúng. Đến những năm 1990, xe đạp Nhật làm khuynh đảo thị trường, khiến xe Phượng Hoàng lùi sâu vào dĩ vãng.

Hiện nay, số người còn sở hữu xe đạp Phượng Hoàng còn cực kỳ ít hoặc xe đã hỏng hóc nặng theo thời gian. Tuy nhiên, giới sưu tầm xe vẫn đang rốt ráo đi tìm những chiếc còn nguyên "zin" chưa hỏng hóc, ngoại hình đẹp.

Xe đạp Phượng Hoàng ở Hà Nội năm 1990

Tại Trung Quốc hiện nay vẫn còn sản xuất mẫu xe này, tuy nhiên số lượng xe nhập về Việt Nam rất hạn chế. Nếu muốn sở hữu một chiếc xe Phượng Hoàng mới, người mua sẽ phải bỏ 4 triệu đồng và phải chờ ít nhất 1 tháng mới được nhập về Việt Nam.

Thời bao cấp, nghề sửa xe đạp cũng trở nên phổ biến

Xe đạp Peugeot

Xe đạp Peugeot ăn sâu vào tiềm thức của người Hà Nội. Không chỉ có người già muốn sống lại cái thời một chiếc Peugeot có thể đáng giá cả một căn nhà mà những người trẻ cũng đang bị những chiếc xe đạp đáng tuổi bố mẹ mình làm cho mê mẩn. Chơi xe đạp cổ cũng là một cách để sống chậm lại.

Xe đạp Peugeot sản xuất vào những năm 60 của thế kỷ trước.

Xe đạp Peugeot nhập nguyên chiếc từ Pháp, ngày xưa có giá cả 2 cây vàng, gần bằng một căn nhà ở phố cổ Hà Nội, là niềm ao ước của tất cả mọi người thời đó.

Hà Nội năm 1956

Vào những năm 1970, chỉ những gia đình nào rất giàu mới có một chiếc xe đạp Peugeot dựng trong nhà, ai có được chiếc xe màu cá vàng thì thật là không gì sánh nổi

Xe đạp Peugeot màu cá vàng được ví là tiêu chuẩn đắt giá trong việc chọn người yêu của các cô gái Hà Nội xưa, truyền tai nhau qua những câu thơ vui vẫn còn đến ngày hôm nay như:

“Một yêu anh có Seiko

Hai yêu anh có Peugeot cá vàng

Ba yêu nhà cửa đàng hoàng

Bốn yêu hộ khẩu rõ ràng thủ đô”

Cơ sở kinh doanh xe đạp và xe oto thương hiệu Peugeot trên phố Paul Bert ở Hà Nội thập niên 1930 (nay là phố Tràng Tiền, tòa nhà ngay trước mặt nhà hát)

Mời quý vị ngắm lại một số hình ảnh xe đạp ở Hà Nội thời bao cấp: