Cảm nhận tuyệt phẩm "Ô Mê Ly" (Văn Phụng, Văn Khôi) - Khúc ca rộn rã yêu đời nổi tiếng nhất của tân nhạc Việt _ NVSGX

   

Ở tuổi 15, tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, nhạc sĩ Văn Phụng đã đoạt giải nhất về dương cầm với bài “Prière d'une Vierge”. Vì tình yêu sâu sắc với âm nhạc mà năm đó, khi chiến tranh sắp bùng nổ “cậu bé” tài hoa ấy phải chạy loạn nhưng vẫn cố chạy theo nhạc. 

Năm 1946, ông về nương náu tại nhà thờ Tứ Trùng ở Chợ Cồn của tỉnh Nam Ðịnh và được học về đạo lý và âm nhạc với Cha Xứ Mai Xuân Ðĩnh. Từ hậu phương trở về Hà Nội năm 1948, ông gia nhập ban quân nhạc Ðệ Tam Tiểu Ðoàn Danh Dự, cùng thời với những nhạc sĩ như Nguyễn Hiền, Ðan Thọ, Nhật Bằng, Nguyễn Cầu, Nguyễn Túc hay Văn Khôi.

Trong ban quân nhạc, ông học thêm với Nhạc Trưởng Schmetzer và bắt đầu viết hòa âm cho dàn đại hòa tấu của quân đội, có tới cả trăm nhạc sĩ, và cho các ban tân nhạc của đài phát thanh. 

 

Nhạc sĩ Văn Phụng lúc trẻ

Ðây cũng chính là thời kỳ mà ông cùng với nhạc sĩ trong ban nhạc lúc ấy là Văn Khôi tung ra Ô Mê Ly! một tác phẩm khiến ông nổi danh như cồn. Lời ca của Văn Khôi là tiếng hát đồng quê:

 

Ðứng giữa cánh đồng nhìn ánh nắng phớt hồng

Có tiếng hát chòng từ đám lúa lướt về

Thoáng thấy tiếng nàng và thoáng có tiếng cười đàn ta hòa vang...

 

Còn nét nhạc của Văn Phụng là nhịp điệu Fox, giật, nhẹ và rất mới. Dường như hai điều đó chẳng có gì liên quan đến nhau cả, nhưng có nghe lại, chúng ta mới thấy sự nhuần nhuyễn bất ngờ giữa cảnh sắc đồng nội và giai điệu Tây phương của người nhạc sĩ. 

Năm đó, “cậu chàng” Văn Phụng mới chỉ vừa tròn 18 tuổi mà đã tung tăng nhảy vào nhạc với tiết điệu mới lạ. Rồi từ đó, trở thành một nhạc sĩ thuộc nhóm đa tài và đa diện nhất của nền tân nhạc Việt Nam và sở hữu hàng loạt các ca khúc bất tử với thời gian trong lòng người hâm mộ cho đến tận bây giờ, như cái gọi là Ô Mê Ly!

Ô mê ly, mê ly!

Ô mê ly, mê ly đời ta!

Sự tươi trẻ, sự yêu đời đã được những tâm hồn nhạc sĩ tươi trẻ truyền đến ngay từ những câu hát đầu tiên “Ô mê ly, mê ly! Ô mê ly, mê ly đời ta!

 

 

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Ô Mê Ly" Trình bày: ban nhạc Thăng Long (hoà âm năm 1962)

Bấm vào giữa hình trên để nghe "Ô Mê Ly" Trình bày: ban Thăng Long (hoà âm năm 1962)

 

 

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Ô Mê Ly" Trình bày: Thái Thanh (thu âm trước 1975)

Bấm vào giữa hình trên để nghe "Ô Mê Ly" Trình bày: Thái Thanh (thu âm trước 1975)

Tình yêu đời, yêu cuộc sống của một người yêu âm nhạc đầu tiên chính là dành tặng cho “cây đàn”, nó như là một người bạn tri âm tri kỷ vậy, ngày ngày sống cùng với nhau, bên cạnh nhau từng phút, từng giờ “tình tính tang dạo phím rồi ca vang”. Chỉ rời một chút thôi, một chút thôi cũng đã thấy trống vắng rồi, vì thế cho nên khi “chiều êm êm nhìn phía xa mây vàng” là đã “giục lòng ta dạo khúc ca với đàn”, không thể tách rời được với “người bạn” tri âm này. Đó chính là niềm vui, niềm hạnh phúc khiến cho chàng nhạc sĩ thêm yêu cuộc đời, thêm “mê ly đời sống với cây đàn

Ô mê ly đời sống với cây đàn

Tình tính tang dạo phím rồi ca vang

Chiều êm êm nhìn phía xa mây vàng

Giục lòng ta dạo khúc ca với đàn

Dù trời có làm mưa, hay là nắng thì cũng không thể nào khiến cho lòng anh bớt đi tình yêu, bớt đi sự đắm say với cuộc đời này. Anh còn yêu luôn cả những hạt mưa, yêu luôn những tia nắng, yêu hết tất thảy những gì thiên nhiên đã ban tặng cho cuộc sống này. Và dường như trong cơn mưa, trong ánh nắng ấy anh có thể cảm nhận được, có thể nghe thấy rộn ràng từng nhịp, từng nhịp của cuộc sống tươi vui;

Một chiều mưa ta hát vang "Mưa rơi!"

 

Rồi cùng ta mưa đáp: "Cho tươi đời!"

Một ngày nắng ta hát vang: "Nắng tươi!"

Đàn cầm tay say sưa hát là nguồn vui

 

 

Gió sớm đã về, cùng tiếng hát tiếng cười

Thấp thoáng bóng người ngoài đám lúa cất lời

 

Thấy tiếng hát cười là gió sớm đến mời: "Người ơi, đàn đi!"

 

Ô mê ly, mê ly!

 

Ô mê ly, mê ly đời ta!

Nhạc sĩ Văn Phụng

 

Cuộc đời anh là ngập tràn những “tiếng hát tiếng cười” theo gió sớm bay về, vấn vương cạnh bên. Trong thoang thoảng làn gió mát dịu ấy, anh có thể nghe thấy cả tiếng của những bóng người đang thấp thoáng phía xa xa ngoài đồng lúa kia đang cất cao lời hát. Và dường như làn gió ấy cũng cảm nhận được niềm vui, sự yêu đời và tươi mới luôn tràn ngập trong anh nên cứ “thấy tiếng hát cười là gió sớm đến mời: "Người ơi, đàn đi!” - Cuộc sống như vậy thử hỏi làm sao mà không “mê” cho được?

Đứng giữa cánh đồng nhìn ánh nắng phớt hồng

Có tiếng hát chàng từ đám lúa lướt về

 

Thoáng thấy tiếng nàng và thoáng có tiếng cười, đàn ta hòa vang

 

Ô mê ly, tơ duyên!

 

Ô mê ly, khúc ca triền miên!

Rồi giữa những cảnh tượng bình thường nhất, những công việc thường ngày nhất anh cũng có thể nhìn thấy được niềm vui, nhìn thấy được tình duyên đang dần hé nở của những chàng trai và cô gái. Họ cùng làm việc “giữa cánh đồng” có “ánh nắng phớt hồng”, rồi thoáng nhìn nhau, thoáng trao nhau những niềm vui trong ánh mắt, thoáng sẻ chia cùng nhau qua từng câu ca nhẹ nhàng thoảng đưa trong làn gió. Nhìn thấy những điều đó, tâm hồn của chàng nhạc sĩ lại càng thêm rộn ràng, càng thêm tươi vui hơn và càng muốn hơn “đàn ta hòa vang”, càng “mê ly” hơn nữa cuộc đời này.

Ô mê ly đời sống bao duyên tình

 

Trời về trưa ngồi dưới hàng cây xanh

Nhìn bao la đồng lúa xa xa mờ

Đàn hòa vang tựa sóng xô đến bờ

 

Cứ thế anh đắm mình vào thiên nhiên - “Trời về trưa ngồi dưới hàng cây xanh/ Nhìn bao la đồng lúa xa xa mờ”, đắm mình vào “đời sống bao duyên tình” và hòa vang khúc nhạc cùng với người bạn tri âm tri kỷ của mình, hòa vang khúc nhạc “tựa sóng xô đến bờ”.

Trong cảnh sắc ấy, trong thiên nhiên tuyệt vời ấy, nơi con “đường về thôn em bé vui câu ca” lại “giục hồn thơ tha thiết yêu quê nhà”, lại khiến cho tâm hồn anh càng thêm rung động, càng thêm yêu mến vô cùng, và lại càng không ngừng ngơi nghỉ mà cất lên những giai điệu, những “khúc ca chơi vơi” cùng với cây đàn. Những câu ca, những tiếng nhạc ấy, cùng với tình yêu và sự mê đắm của anh dành cho cuộc đời, dành cho làng quê nhỏ của mình sẽ mãi mãi, mãi mãi “còn vang nhịp nhàng đưa ngàn nơi

Đường về thôn em bé vui câu ca

 

Giục hồn thơ tha thiết yêu quê nhà

Đàn cùng ta reo khúc ca chơi vơi

Nhạc còn vang nhịp nhàng đưa ngàn nơi

 

Tình yêu đó, sự say mê đó trong tuyệt phẩm Ô Mê Ly của nhạc sĩ Văn Phụng và Văn Khôi vẫn luôn tồn tại cho đến tận bây giờ. Và tôi tin rằng, dù có qua thêm bao nhiêu thời gian nữa thì ca khúc này vẫn sẽ như thế, vẫn sẽ sống động, vẫn sẽ vui tươi và vẫn sẽ đặc biệt như cách ra đời và tồn tại của nó cho đến hôm nay.

Từng lời ca, chúng ta có thể cảm nhận được sự phóng khoáng và tùy ý của nhạc sĩ, của một chàng trai trẻ còn phơi phới tuổi xuân, dường như những ca từ, những miêu tả ấy chẳng có mối liên quan nào chặt chẽ với nhau cả, thậm chí nó rất rời rạc và đơn lẻ khi đọc lên, nhưng tình yêu chính là như vậy, chính yêu tất cả, yêu mọi thứ, yêu từ thiên nhiên đến con người, từ ký ức, đến tương lai và sẽ mãi mãi yêu, yêu đến hết cả cuộc đời, mê đến hết cuộc đời, đắm say đến hết cuộc đời - tình yêu ấy tưởng chừng như rời rạc lại được gắn kết một cách rất chặt chẽ bởi chính giai điệu đặc biệt của bài hát.

 

Có lẽ cũng là vì lý do đó mà Ô Mê Ly được mệnh danh là ca khúc “giết” nhiều ca sĩ Việt Nam bởi tiết tấu ca khúc rất nhanh lại dồп dập khiến các ca sĩ khó xử lý kỹ thuật, đòi hỏi hơi phải thật tốt mới theo kịp được. Điều quan trọng nhất là người ca sĩ phải thể hiện được cái hồn của ca khúc mà người nhạc sĩ đã gửi gắm vào đó. Rất nhiều ca sĩ đã thử hát ca khúc này, mặc dù đã xử lý được kỹ thuật, theo tốt nhịp điệu và tiết tấu, nhưng vẫn không tài nào thể hiện được chất “men” có trong ca khúc bởi vậy họ không bao giờ dám hát lại lần 2 ca khúc này.

 

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Ô Mê Ly" Trình bày: Thái Thanh và ban Thăng Long

Bấm vào giữa hình trên để nghe "Ô Mê Ly" Trình bày: Thái Thanh và ban Thăng Long

 

Người Trình bày ca khúc này được xem là thành công nhất đó chính là ca sĩ Thái Thanh kết hợp với ban nhạc hợp ca Thăng Long ngày ấy, nhờ có giọng hát trong trẻo, cao vút, thánh thót như sơn ca của Thái Thanh đã khiến “Ô mê ly” trở nên nổi tiếng. 

Và sau này, người hát thành công không kém có thể kể đến chính là nghệ sĩ Ánh Tuyết.

Lời bài hát "Ô Mê Ly" Tác giả: Văn Phụng, Văn Khôi

Ô mê ly, mê ly!

Ô mê ly, mê ly đời ta!

 

Ô mê ly đời sống với cây đàn

Tình tính tang dạo phím rồi ca vang

Chiều êm êm nhìn phía xa mây vàng

Dục lòng ta dạo khúc ca với đàn

 

Một chiều mưa ta hát vang "Mưa rơi!"

Rồi cùng ta mưa đáp: "Cho tươi đời!"

Một ngày nắng ta hát vang: "Nắng tươi!"

Đàn cầm tay say sưa hát là nguồn vui

 

Gió sớm đã về, cùng tiếng hát tiếng cười

Thấp thoáng bóng người ngoài đám lúa cất lời

Thấy tiếng hát cười là gió sớm đến mời: "Người ơi, đàn đi!"

 

Ô mê ly, mê ly!

Ô mê ly, mê ly đời ta!

 

Đứng giữa cánh đồng nhìn ánh nắng phớt hồng

Có tiếng hát chòng từ đám lúa lướt về

Thoáng thấy tiếng nàng và thoáng có tiếng cười, đàn ta hòa vang

 

Ô mê ly, tơ duyên!

Ô mê ly, khúc ca triền miên!

 

Ô mê ly đời sống bao duyên tình

Trời về trưa ngồi dưới hàng cây xanh

Nhìn bao la đồng lúa xa xa mờ

Đàn hòa vang tựa sóng xô đến bờ

 

Đường về thôn em bé vui câu ca

Dục hồn thơ tha thiết yêu quê nhà

Đàn cùng ta reo khúc ca chơi vơi

Nhạc còn vang nhịp nhàng đưa ngàn nơi