Đại lộ Trần Hưng Đạo (Galliéni) - Con đường huyết mạch nối Sài Gòn – Chợ Lớn làm một _ NVSGX

   

Ngay khi chợ Bến Thành khai trương năm 1914, một đại lộ đã được khởi công nối Sài Gòn – Chợ Lớn đến nay vẫn thênh thang: Galliéni, hiện nay là đường Trần Hưng Đạo.

nga-tu-tran-hung-dao-nguyen-bieu-huong-ve-phia-ben-trai-tam-hinh-la-q5-huong-phai-la-ve-q1-1475290415

Ngã tư Trần Hưng Đạo – Nguyễn Biểu trước 1975 bên trái là về quận 5, bên phải đi quận 1 – Ảnh tư liệu

Có thể nói, nếu chợ Bến Thành không mở năm 1914, đại lộ trước mặt và bên phải chợ chưa biết bao giờ mới có vì trước đó 10 năm, 1904, trước đề nghị của đốc lý (maire – thị trưởng) Chợ Lớn nối dài Bonard (Lê Lợi hiện nay) tới đường des Marins (năm 1952 đổi thành Đồng Khánh – thuộc Chợ Lớn), Hội đồng TP Sài Gòn lúc ấy lúc gật lúc không.

Lý do có lẽ cũng đơn giản: chi phí làm đường rất lớn khi khu vực có thể làm đường vốn là đầm lầy ngổn ngang, trong khi thực tế đã có 2 con đường thông Sài Gòn với Chợ Lớn: đường Dưới (cặp rạch Bến Nghé/kênh Tàu Hũ – Pháp gọi là arroyo Chinois) và đường Trên (Nguyễn Trãi hiện nay – đường Cái Quan vốn có trước khi Sài Gòn thuộc Pháp).

Nhưng chợ Bến Thành đã mở, với tầm nhìn xa, hai con đường nhỏ khó đáp ứng được sự phát triển của Sài Gòn – Chợ Lớn trong mối quan hệ không thể thiếu nhau lâu nay.

Thế là vùng đầm lầy (bắt đầu từ đầm/ao Bồ Rệt đã được lấp và xây chợ Bến Thành) nằm giữa hai con đường trên cần phải được vào cuộc, không chỉ nối Sài Gòn – Chợ Lớn mà còn tạo thêm quỹ đất rất lớn nằm giữa đường Trên và đường Dưới.Năm 1916, con đường đã xong, trải đất đỏ với tên đại lộ (boulevard – chứ không rue – đường nhỏ như đường Trên/Nguyễn Trãi) Galliéni.

duong-tran-hung-dao-ket-noi-sai-gon-cho-lon1-1475162347

Đường Trần Hưng Đạo kết nối khu vực Sài Gòn – Chợ Lớn năm 1865 trên bản đồ TP.HCM hiện nay – Đồ họa: T.Thiên

duong-tran-hung-dao-xua-tren-ban-do-hien-nay-1475162480

Đường Trần Hưng Đạo hiện nay gồm hai đoạn (màu cam) trên bản đồ hiện nay gồm: đường Galiéni (1916-1955)/Trần Hưng Đạo (từ 1955 – đoạn từ chợ Bến Thành đến giao lộ Nguyễn Văn Cừ) và đường des Marine (trước 1952)/Đồng Khánh (1952-1975 – từ Học Lạc đến An Bình hiện nay) – Đồ họa: T.Thiên

Mang danh đại lộ nhưng như Vương Hồng Sển mô tả trong Sài Gòn năm xưa: “Hai bên đường còn nhiều thửa ruộng hoang vu (…), khó biết đây là trung tâm đô thành hoa lệ. Nhà lụp sụp không hàng lối (…), dân lao động chen chúc, gái ăn sương đủ hạng…”.

Gái ăn sương đủ hạng cũng dễ hiểu thôi vì đầu đường, từ trước đó đã là nơi gái mãi dâm nhiều nước châu Âu cũng như châu Á (như Pháp, Nga, Nhật…) tìm đến Sài Gòn làm ăn.

Hình ảnh buổi đầu của đường Trần Hưng Đạo cách đây đúng 100 năm (1916-2016) là vậy, nhưng với con đường thật sự mới mẻ này (những con đường của Sài Gòn – Chợ Lớn đến lúc ấy đều là những con đường có sẵn hoặc mở trên đất Sài Gòn – Chợ Lớn có trước khi Pháp vô), bao nhiêu cơ hội lớn đã mở ra như một Sài Gòn xưa nay: luôn mở ra những ước mơ trong cuộc mưu sinh cho bất cứ ai…

👉 Cùng tìm hiểu thêm về hình ảnh của Sài Gòn những năm thập niên 90

Đại lộ mở toang cơ hội và ước mơ khởi nghiệp cho Sài Gòn – Chợ Lớn

Trước hết, đó là ước mơ của những cư dân tại chỗ vốn lâu nay bị ngăn chặn bởi một đầm lầy chắn lối: những cư dân Sài Gòn thuở ban đầu sống ở đường Dưới (đại lộ Võ Văn Kiệt hiện nay) dọc rạch Bến Nghé/Tàu Hũ và xung quanh đường Trên/Nguyễn Trãi: cầu Kho, cầu Ông Lãnh, chợ Điều Khiển (góc Nguyễn Trãi – Phạm Ngũ Lão hiện nay), chợ Hôm (gần Bệnh viện Nguyễn Trãi hiện nay)…

cho-cau-muoi-anh-keith-mcgraw-1475291007

Chợ Cầu Muối góc Trần Hưng Đạo – Nguyễn Thái Học cực kỳ tấp nập trước 1975 – Ảnh tư liệu

duong-dong-khanh-3-1475291135

Một góc đường Đồng Khánh trước 1975 (nay là Trần Hưng Đạo B) – Ảnh tư liệu

👉 Cùng tìm hiểu thêm về hình ảnh Sài Gòn của những năm thập niên 90

Cơ hội càng lớn hơn khi năm 1928, nó được trải đá granit và trải nhựa, rộng trên dưới 20m với bốn hàng cây hai bên đường đã lên xanh chứ không mịt mù bụi đất như thuở ban đầu.

Và chỉ 3 năm sau, 1931, đại lộ này đã góp phần quyết định việc hoàn thành nối kết Sài Gòn – Chợ Lớn thành một khối với quyết định thành lập Khu (Region) Sài Gòn – Chợ Lớn.

Xóm Lò Heo trên đường Lò Heo (nay là đường Nguyễn Thái Học) thành khu chợ Cầu Muối dù rạch trên cầu đã lấp, cầu đương nhiên không còn. Nhiều cây cầu như cầu Ông Lãnh, cầu Calmette, cầu chữ Y và gần đây là cầu Nguyễn Văn Cừ, cầu Nguyễn Tri Phương được bắc lên, kéo cư dân quận 4, 8, Bình Chánh, các tỉnh… về gần hơn, nhanh hơn với Sài Gòn – Chợ Lớn.

Trong đó, có một chàng thanh niên Trà Vinh tay trắng tìm đến Galliéni năm 1929 khi xe cộ đã chạy bon bon trên đường nhựa với nghề buôn bán phụ tùng xe hơi, mở cây xăng bơm tay. Chỉ hơn 10 năm sau anh đã mua đất, mở rạp hát hoành tráng mặt tiền Galliéni với ba tầng khán phòng 1.200 ghế mà dân nghệ sĩ Sài Gòn trước 1975 gọi là “Hàng không mẫu hạm Nguyễn Văn Hảo” (nay là rạp Công Nhân – 30 Trần Hưng Đạo).

Khi rạp Nguyễn Văn Hảo ra đời năm 1940 thì lúc đó một chàng thanh niên nhập cư tuổi đôi mươi mới đến đây mở một điểm sửa xe đạp vỉa hè năm 1940 góc đường Galliéni – Général Marchand (nay là Trần Hưng Đạo – Nguyễn Cư Trinh).

Cơ hội chưa bao giờ cạn dù với kẻ đến sau. Chăm chỉ, hiền lành và đầy khát vọng, chẳng mấy chốc, từ điểm sửa xe ấy, anh thuê luôn một góc ngôi nhà nơi mình ngồi phía trước ráp xe bán và 10 năm sau ngày đến Galliéni, dãy phố 30 căn từ đầu đường Général Marchand dọc theo đường Galliéni đã có chủ mới là anh thợ nghèo.

Rồi gần 10 năm nữa, chàng trai nghèo năm xưa buôn bán phụ tùng xe gắn máy, xe hơi… với một công ty lớn xuất nhập khẩu phụ tùng xe máy: Công ty Indo – Comptoir. Góc đường anh thợ nghèo tên Nguyễn Thành Niệm ngồi sửa xe đạp mọc lên một rạp hát anh làm chủ: Hưng Đạo (năm 1955 boulevard Galliéni đổi tên thành đại lộ Trần Hưng Đạo).

duong-tran-hung-dao-1475290615

Rạp hát Hưng Đạo trước 1975 của chàng trai trẻ nhập cư Nguyễn Thành Niệm – Ảnh tư liệu

… Nhiều lắm những gương mặt làm giàu như vậy trên đại lộ mới. May mắn từ thời cuộc là có nhưng may mắn không dành cho người thiếu ước mơ, cần kiệm và nhạy bén với vùng đất mới, nhu cầu mới.

100 năm thăng trầm cùng thời cuộc

Ngôi nhà của nhà văn hóa lớn Pétrus Trương Vĩnh Ký (1837-1898) có khá lâu, lặng lẽ trên đường Des Marins (góc Trần Hưng Đạo – Trần Bình Trọng hiện nay). Sài Gòn – Chợ Lớn thông đường, ngôi nhà càng thâm trầm hơn như ngẫm nghĩ cùng vị học giả vốn có rất nhiều tác phẩm nghiên cứu về một Sài Gòn xưa và thay đổi chóng mặt buổi đầu người Pháp vô.

Đại lộ thông đường sau khi ông mất 18 năm càng đẩy Sài Gòn – Chợ Lớn phát triển chóng mặt với hàng chục salon xe hơi, rạp hát lớn nhất Sài Gòn – Chợ Lớn. Thậm chí là những sòng bạc lớn tầm cỡ Đông Nam Á: Đại Thế Giới (Casino Grand Monde – nay là Nhà văn hóa Q.5), Kim Chung (Casino Cloche d’Or)… làm sạt nghiệp, tan nát nhiều gia đình, nhiều số phận.

Thậm chí con đường còn là chứng nhân của lịch sử khi trải qua cơn bão lửa đạn bom khi quân đội của chính quyền quốc gia Việt Nam (với quốc trưởng Bảo Đại, thủ tướng Ngô Đình Diệm) giao tranh với lực lượng Bình Xuyên (bên kia cầu chữ Y theo đại lộ Galliéni tràn ra Sài Gòn tấn công quân đội của thủ tướng Ngô Đình Diệm) trong một loạt chiến dịch quân sự cuối tháng 4 đầu tháng 5-1955.

duong-gallieni-rue-photo-by-howard-sochurek-1955-5-1475290139

Góc đường Galliéni – Huỳnh Quang Tiên (nay là Hồ Hảo Hớn) nhìn về ngã tư Trần Hưng Đạo – Nguyễn Biểu hiện nay trong khói lửa mịt mù cuộc chiến năm 1955 – Ảnh: Howad Sochurek

Trong đó, ngày 28-4, ngôi trường mang tên nhà văn hóa Pétrus Ký nằm cuối con đường ráp nối Sài Gòn – Chợ Lớn (đường Nguyễn Văn Cừ hiện nay) trở thành nơi đóng sở chỉ huy của Bình Xuyên, bị quân đội quốc gia VN tấn công tái chiếm.

Một viên đạn đã găm, lõm hẳn một bên má bức tượng đồng Pétrus Ký trong trường (bức tượng hiện vẫn còn ở Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong – tên sau năm 1975 của Trường Pétrus Ký).

sai-gon-1969-dai-lo-tran-hung-dao-1475290867

Đầu đường Trần Hưng Đạo năm 1969 (bên phải là ga xe lửa Sài Gòn) – Ảnh tư liệu

… Đúng 100 năm đã trôi qua trên đại lộ nay mang tên Trần Hưng Đạo, những salon xe hơi xưa dường như vẫn còn đó với những showroom xe hơi mới của những hãng xe lớn nhất thế giới. Những rạp hát xưa, bánh trung thu Đồng Khánh lừng lẫy một thời vẫn còn đây – dù bị nhái thương hiệu tràn lan.

Cơm gà xối mỡ kiểu Sài Gòn nổi tiếng từ góc Trần Hưng Đạo – Ngô Quyền trước 1975 giờ đã lan tràn khắp nơi dù thật sự chất lượng thua xa điểm bán đầu tiên…

Bao nhiêu thăng trầm, nổi trôi những phận đời sống cùng nó 100 năm nay. Và cũng như một Sài Gòn luôn hào hứng với đổi mới, đại lộ xưa vẫn nhộn nhịp ngày ngày với những cửa hàng, thương hiệu lớn nhất nước.

…Và dù nối thông hai thành phố lớn nhất nước: Sài Gòn và Chợ Lớn, hầu như hiếm khi nào nó… kẹt  xe và ngập nước.

CÙ MAI CÔNG/TTO