Hoàn cảnh sáng tác và ý nghĩa ca khúc "Kiếp Cầm Ca" - Nhạc sĩ Huỳnh Anh viết về mối tình dành cho "Nữ hoàng sân khấu" Thanh Nga _ NVSGX

   

Huỳnh Anh sinh ngày 2 tháng 1 năm 1932 tại Cần Thơ, là con trai của nghệ sĩ Sáu Tửng, một người chơi đàn kìm nổi tiếng của nền cải lương miền Nam.

Năm 1947 ông chính thức bước vào con đường âm nhạc với vai trò là một người nhạc công chơi trống trong một ban nhạc tại thành phố Đà Lạt. Và sau này, ông cũng trở thành một tay trống nổi tiếng khắp Sài thành. 

Bên cạnh đó ông cũng rất đam mê con đường sáng tác và trở thành một nhạc sĩ có khá nhiều tác phẩm nổi tiếng khắp đó đây, dù gia tài sáng tác của ông không nhiều như những người vốn là nhạc sĩ.

Nổi tiếng nhất phải kể đến Kiếp Cầm Ca, bài hát chính là một nhạc phẩm tồn tại vĩnh hằng theo thời gian. Đây là một trong những ca khúc nổi tiếng nhất nói về tâm sự của một người nghệ sĩ, ca sĩ sau khi rời ánh đèn sân khấu. 

Đây cũng là bài hát mà theo ông, mới là một nhạc phẩm dành tặng riêng cho người con gái mà ông mến mộ, nghệ sĩ cải lương Thanh Nga. Ông khẳng định: “... chính bài Kiếp Cầm Ca mới là bài mà tôi viết cho Thanh Nga. Vì chỉ có sân khấu cải lương mới có màn nhung mà thôi…

 

Nhạc sĩ Huỳnh Anh

Nghệ sĩ Thanh Nga

Nhiều người nói rằng hai người đã có một khoảng thời gian yêu nhau, nhưng một số người lại nói là ông yêu đơn phương cô Thanh Nga, vì lúc đó cô đã là một người vô cùng nổi tiếng, còn ông chỉ là một người chưa có tên tuổi gì. Nhưng ông lại nói rằng “... chuyện Thanh Nga mê tôi hay tôi mê Thanh Nga chỉ có mình tôi biết thôi…”. Đúng, chuyện đó chỉ có người trong cuộc mới thực sự hiểu rõ, những đồn đoán đều chỉ là đồn đoán. Và cô Thanh Nga có “mê” ông hay không thì tôi không biết, nhưng tôi biết rằng với ông, cô Thanh Nga chắc hẳn là một người rất đặc biệt. Ông hiểu cô, nên mới có thể viết ra những ca từ tuyệt vời như là Kiếp Cầm Ca:

Mưa rơi cho đời thêm nhớ thương

Hạt mưa ướt vai người tha hương

Mưa rơi phố thưa vắng tiêu điều

Xóm nghèo quạnh hiu màn đêm tịch liêu

Bài hát mở đầu bằng một cơn mưa, cơn mưa nhẹ nhàng mà thấm sâu vào lòng người, từng hạt mưa từng đợt cứ rơi khiến cho cuộc đời càng “thêm nhớ thương”. Hạt mưa cứ thế gieo nỗi sầu trong lòng của những con người bước đi trên con đường, và cũng cứ thế vô tình mà làm “ướt vai người tha hương”. Và cơn mưa cứ không ngớt khiến cho con phố nhộn nhịp ngày nào giờ bỗng “thưa vắng tiêu điều” đến lạ thường, như chính là cõi lòng chơi vơi của những con người nơi “xóm nghèo quạnh hiu” đang chìm trong màn mưa, chìm trong “màn đêm tịch liêu”. Cảnh buồn, đời buồn, cuộc đời cũng buồn, cũng chơi vơi như là từng hạt mưa đang rơi rớt trong màn đêm vắng lặng đến vô cùng.

Và trong dòng đời cứ lặng lẽ trôi đi ấy, có một con người bé nhỏ, khi màn đêm buông xuống sẽ “đem lời ca tiếng thơ” để mà “mua vui” cho người đời. Người bước lên sân khấu, dưới những ánh đèn đang bừng sáng lung linh, người cất cao tiếng ca khiến cho lòng người ngất ngây, cũng khiến cho chính bản thân mình được là… chính mình. Nhưng “khi cánh nhung khép im lìm”, khi ánh đèn kia “lặng tắt” người sẽ cởi bỏ lớp hóa trang khiến cho người trở lại là một “người tha hương”, là một người chơi vơi giữa dòng đời khi thấy mình “chẳng giống ai”. Những nỗi niềm ấy, người biết tỏ cùng ai? Biết phải “gởi ai nỗi niềm” nơi cõi lòng này đây?

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Kiếp Cầm Ca" Trình bày: Phương Dung (thu âm trước 1975)

Bấm vào để nghe "Kiếp Cầm Ca" Trình bày: Phương Dung (thu âm trước 1975)

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Kiếp Cầm Ca" Trình bày: Thanh Thuý

Bấm vào để nghe "Kiếp Cầm Ca" Trình bày: Thanh Thuý

Nhạc sĩ Huỳnh Anh cũng có nói, thực ra câu hát “Nhưng khi cánh nhung khép im lìm/ Ánh đèn lặng tắt, gởi ai nỗi niềm” là ông viết cho nỗi lòng của chính mình. Có lẽ với cương vị là một người khán giả, một người mến mộ, ông yêu tiếng hát của cô Thanh Nga, ngưỡng mộ con người cô mỗi lần cô bước lên sân khấu. Nên khi cô bước xuống, khi màn nhung khép lại kết thúc màn biểu diễn, cũng chính là lúc mà ông tiếc nuối đến vô cùng mà không biết giải bày cùng ai. Ông cứ thế chìm trong cảm xúc miên man của chính mình, cứ thế vương vấn, tiếc nuối vì bóng hình ấy đã khuất sau tấm màn sân khấu.

Đêm đêm đem lời ca tiếng thơ

Đời ca hát cho người mua vui

Nhưng khi cánh nhung khép im lìm

Ánh đèn lặng tắt, gởi ai nỗi niềm

Cuộc đời của một người mang “kiếp cầm ca” chính là như thế. Chính là khi người ta còn cảm thấy vui thì người ta sẽ tìm đến, còn “trăm ngàn lưu luyến” với con người đang tỏa sáng trên sân khấu kia, đang nở rộ như là một bông hoa trong thời kỳ xuân sắc kia. Thế nhưng, hoa nào cũng có lúc tàn, mà tàn rồi thì còn có ai quan tâm đến nữa đâu.

Người nghệ sĩ chính là như vậy, chính là dành một quãng thời gian đẹp nhất của cuộc đời, bằng lời ca tiếng hát của mình “mua vui” cho cuộc đời, cho mọi người. Và khi quãng thời gian đó qua đi, mọi người cũng sẽ dần dần mà rời ra, mà quên đi người đã từng làm cho bản thân mình vui. Cuộc đời đó được nhạc sĩ ví như là “bến”, bến sẽ có người đến nhưng rồi họ sẽ đi, và sau đó sẽ có những người nhớ về “tiếng ca cung đàn ngày xưa” mà “ghé thăm đôi lần”. Nhưng rồi họ cũng sẽ lại rời đi, bỏ lại bến vắng quạnh hiu một mình.

Người đến bên mình khi vui trăm ngàn lưu luyến

Nhưng hoa xưa đã tàn úa đâu còn

Đời ta là bến ai qua ghé thăm đôi lần

Nhớ chăng tiếng ca cung đàn ngày xưa

 

Đêm nay bên thềm một bóng ai

Dừng chân bước giang hồ phiêu linh

Mưa đêm vẫn rơi mãi không ngừng

Có người ca sĩ khóc đời quạnh hiu

Trong bóng đêm, cùng với cơn mưa dầm dề không dứt, người vu vơ nghĩ về cuộc đời của chính mình. Nhìn không gian mênh mông mà vắng lặng, thoáng bên thềm “một bóng ai” mệt mỏi vì “bước giang hồ phiêu linh” mà dừng chân lại chốn đây. Những hạt mưa thì vẫn không ngừng, không ngừng rơi xuống, sự cô độc, lẻ loi cũng như bao trùm lấy cả không gian, bao trùm lấy cả bóng người thấp thoáng ngoài kia, và bao trùm luôn cả một người “sĩ khóc” đang nhìn đời, nhìn người rồi khóc cho cuộc đời “quạnh hiu” của chính bản thâm mình.

Dù biết rằng Kiếp Cầm Ca vốn dĩ là như thế, là hào quang trong thoáng chốc rồi cô đơn vạn nẻo đường. Những người yêu quý không nhiều, những lời đàm tiếu lại không ít. Đời người nghệ sĩ cũng giống như tuổi thanh xuân của mỗi con người, cũng có thì, khi nó qua đi thì có khi sẽ bị lãng quên đến muôn đời. Nhưng họ vẫn không thể ngừng được đam mê, người được khát khao được đứng trên sân khấu. Vì khi đó họ mới cảm nhận được mình chính là mình, chính là ngọn lửa bùng cháy những đam mê. Vậy nên dù buồn, dù cô đơn, dù quạnh hiu khi màn nhung đã khép họ vẫn chấp nhận, và tiếp tục bước với đam mê , với hoài bão của chính mình.

Kiếp Cầm Ca của nhạc sĩ Huỳnh Anh là được viết để dành tặng một người, nhưng nó đã vượt lên trên cả một người để nói về những người nghệ sĩ đứng trên ánh đèn sân khấu. Có lẽ cũng vì vậy mà đến tận bây giờ Kiếp Cầm Ca vẫn không ngừng bừng sáng trong âm nhạc, và trở thành một bài ca bất hủ theo thời gian.

Lời bài hát "Kiếp Cầm Ca" Tác giả: Huỳnh Anh

Mưa rơi cho đời thêm nhớ thương

Hạt mưa ướt vai người tha hương

Mưa rơi phố thưa vắng tiêu đìều

Xóm nghèo quạnh hiu màn đêm tịch liêu

Đêm đêm đem lời ca tiếng thơ

Đời ca hát cho người mua vui

Nhưng khi cánh nhung khép im lìm

Ánh đèn lặng tắt

Gởi ai nỗi niềm

 

Người đến bên mình khi vui trăm ngàn lưu luyến

Nhưng hoa xưa đã tàn úa đâu còn

Đời ta là bến ai qua ghé thăm đôi lần

Nhớ chăng tiếng ca cung đàn ngày xưa

Đêm nay bên thềm một bóng ai

Dừng chân bước giang hồ phiêu linh

Mưa đêm vẫn rơi mãi không ngừng

Có người ca sĩ khóc đời quạnh hiu